Sóng gió và cơ hội

Sóng gió và cơ hội
TP - Nước Nga một lần nữa lại rơi vào tình thế vô cùng khó khăn khi hai công cụ quan trọng nhất của nền kinh tế là đồng nội tệ và dầu mỏ rơi vào tình trạng mất giá mạnh.

Cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ đã khoét sâu mâu thuẫn giữa Nga với phương Tây trong vấn đề mở rộng tầm ảnh hưởng của các cường quốc ở phía Đông châu Âu. 

Bất lực trước các quyết định dứt khoát và lạnh lùng của Tổng thống Putin trong việc sáp nhập bán đảo Crimea và khủng hoảng tại Ukraine, Mỹ và Tây Âu quyết định tấn công Nga trên mặt trận kinh tế. 

Đòn tấn công tập thể của Mỹ và Tây Âu đã khiến kinh tế xứ Bạch Dương đối mặt với sóng gió lớn. Giá dầu giảm sâu làm giảm thu nhập của nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu dầu mỏ. Thực trạng này đã gây sức ép khiến đồng rúp rơi tự do. Kinh tế bắt đầu hỗn loạn.

Tuy nhiên, tình thế khó khăn cũng là cơ hội để Tổng thống Vladimir Putin chứng minh bản lĩnh của một vị lãnh đạo quyền lực. Một trong những biện pháp đầu tiên mà Mátxcơva thực hiện là mở kho dự trữ ngoại tệ. 

Bộ Tài chính Nga cho biết sẽ mua lại USD từ các sàn giao dịch quốc tế bằng các nguồn dự trữ của mình và duy trì việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp thiếu ngoại tệ. Giới phân tích tài chính phương Tây xác nhận Nga hiện nắm trong tay rất nhiều tiền, khoảng 400 tỷ USD, đủ để thanh toán đến năm 2016.

Những biện pháp đối phó của Mátxcơva  bước đầu đã tạo được hiệu ứng. Đồng rúp đã phục hồi 10% giá trị trong ngày 16/12, thời điểm Nga tung 2 tỷ USD ra thị trường. Tín hiệu tích cực này là bằng chứng rõ nhất cho thấy Mátxcơva vẫn đủ khả năng để đối phó với các cuộc tấn công tài chính.   

Trong tình hình này, liệu phương Tây có đủ sức duy trì áp lực với Nga khi kinh tế của họ cũng đang gánh chịu áp lực từ chính trong nước. Kinh tế Đức phải giảm mức dự đoán GDP trong năm 2015, hàng loạt doanh nghiệp Mỹ và châu Âu làm ăn với Nga bị thiệt hại do các dự án làm ăn bị hủy bỏ.

Rõ ràng, trong cuộc đối đầu kinh tế với Nga, phương Tây không thể dễ dàng hạ gục sức mạnh của một cường quốc như họ đã từng làm với những quốc gia khác.

Năm 2014 dần khép lại nhưng vẫn còn đó những thách thức bộn bề mà nước Nga phải đối mặt. Với thái độ thẳng thắn, Tổng thống Putin thừa nhận nước Nga có thể rơi vào suy thoái trong năm 2015. 

Tuy nhiên, bất chấp khó khăn, người dân Nga tin đất nước sẽ hồi phục sau hai năm khó khăn bởi vì với họ “không có ai hơn Putin trong cơn hoạn nạn”, vị tổng thống đã từng đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng 2008.

MỚI - NÓNG