Ông Putin nói rằng, “các nhân tố bên ngoài” là nguyên nhân chính khiến đồng rúp mất giá ở mức kỷ lục, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) âm mưu làm suy yếu nước Nga. Ông ước tính, các lệnh trừng phạt của phương Tây, áp đặt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3, đóng góp 25-30% trong vấn đề đồng rúp mất giá. Mấy ngày qua, người dân Nga đổ xô rút tiền mặt để mua hàng nhằm đối phó tình trạng đồng rúp giảm tới 60% giá trị kể từ đầu năm nay.
Hôm 16/12, ngân hàng trung ương Nga nâng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên 17%, mức cao nhất kể từ năm 1998, nhưng cùng ngày, giá trị đồng rúp vẫn giảm đến mức kỷ lục - 80 rúp “ăn” 1 USD. Nhiều nhà phân tích nhận định, Nga đang bên bờ vực suy thoái do giá dầu lao dốc và do Mỹ, EU trừng phạt vai trò của Nga trong khủng hoảng Ukraine. Theo các chuyên gia kinh tế, với mỗi USD giảm giá dầu, mỗi năm ngân sách Nga mất đi 2 tỷ USD, vì 50% ngân sách nước này đến từ dầu khí. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, 68% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga năm 2013 đến từ dầu thô và khí thiên nhiên.
Tại buổi họp báo, Tổng thống Putin thừa nhận Nga đã thất bại trong việc đa dạng hóa nền kinh tế hai thập kỷ qua, đã dựa quá nhiều vào xuất khẩu dầu khí. Ông cũng thừa nhận rằng, ngân hàng trung ương Nga lẽ ra đã có thể hành động kịp thời hơn. Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định, dự trữ ngoại hối của Nga vẫn đủ để giữ cho kinh tế ổn định, ngân hàng trung ương sẽ không “đốt” khoản tiền 419 tỷ USD của mình. Nếu các vấn đề kinh tế vẫn tồn tại, chính phủ Nga sẽ phải “giảm chi tiêu xã hội và giảm mức tăng trưởng trong tương lai”, nhưng “nền kinh tế của chúng tôi sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng này, cùng lắm sau hai năm”, ông nói. Trước đó, báo chí Mỹ dẫn một số chuyên gia dự đoán Nga sẽ phải sử dụng biện pháp kiểm soát tài chính đặc biệt, thậm chí phải nhờ Quỹ Tiền tệ Quốc tế bơm tiền giải cứu nền kinh tế.
Về khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Putin nói ông hy vọng xung đột ở nước này có thể được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình. Ông thúc giục chính phủ Ukraine và lực lượng nổi dậy ở miền đông nước này nhanh chóng trao đổi tất cả tù binh trước lễ Giáng sinh. Ukraine và phương Tây cho rằng, ông Putin gửi quân Nga tới chiến đấu cùng với phe nổi dậy ở đông Ukraine, nhưng Kremlin bác bỏ cáo buộc này. Tại cuộc họp báo, Tổng thống Putin nói Nga “không gây hấn hay xâm phạm lợi ích của bất cứ ai, mà chỉ bảo vệ lợi ích của chúng tôi”. Ông nói rằng, Nga chỉ có 2 căn cứ quân sự bên ngoài biên giới Nga, trong khi các căn cứ Mỹ có mặt “khắp nơi trên thế giới”.
Trong khi đó, ngày 18/12, EU thông qua các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Các lệnh trừng phạt nhằm vào đầu tư ở bán đảo Crimea và khai thác dầu khí ở biển Đen sẽ có hiệu lực từ ngày 20/12.