Sóng gió bạn chài

Thủ phủ nghề cá Phước Tỉnh đang thiếu ngư dân trầm trọng. Ảnh: Hà Anh
Thủ phủ nghề cá Phước Tỉnh đang thiếu ngư dân trầm trọng. Ảnh: Hà Anh
TP - Nghề cá thời gian gần đây, ngoài chuyện khó khăn do ô nhiễm môi trường, thiếu vốn và ngư trường cạn kiệt, còn là những “sóng gió” do chính những con người trên tàu cá tạo ra.

Bài 1: Đào tẩu khỏi tàu cá

Cả nước hiện có hơn 109.306 tàu cá trong khi nhiều nơi rơi vào cảnh thiếu ngư dân. Đi đâu cũng nghe cụm từ “thiếu bạn”. Có nơi chủ tàu phải “treo” ngư dân ngoài biển không dám vô bờ vì sợ “bạn” bỏ đi. Chủ tàu muốn kéo được bạn thì phải bỏ ra vài chục triệu đồng cho ứng trước. Thủ phủ nghề cá Phước Tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) trở thành điểm “nóng” nhất, khi chủ tàu phải thuê ngư dân không chuyên đi biển và gọi là ngư dân cò.

Mới sáng tinh mơ ngày 12/8, ngôi nhà của ông Lê Văn Nuôi tại phường Phước Hội, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận đón hai vị khách là ngư dân tỉnh Quảng Ngãi viếng thăm đột ngột. Đó là ngư dân Nguyễn Linh, 62 tuổi và Mai Tạc 52 tuổi “đi bạn” (từ ngư dân dùng để chỉ việc làm công trên tàu cá) cho tàu cá ở cửa biển Cà Ná, cách thị xã khoảng 15 km. Ông Linh nở nụ cười trên khuôn mặt hơi méo mó và thốt lên: “mới trốn khỏi ghe ở dưới Cà Ná, làm ăn gì mà ngày nào cũng báo lỗ”.

“Giam lỏng” ngư dân trên biển

Ông Linh kể lại, được chủ tàu tên Tuấn, quê ở xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi thuê đi bạn. Một tháng trôi qua trên biển nhưng lượng cá đánh bắt vẫn chưa được nhiều. Chủ tàu sợ ngư dân… trốn nên không dám vào bến bán cá, chỉ neo ở mũi Cà Ná để xuồng nhỏ ra chở cá và tiếp nhiên liệu. Ngư dân đi bạn chờ mãi chả thấy tàu vào bến để anh em nghỉ ngơi. Đến ngày hôm sau thì có thuyền chở lương thực và 1.000 lít dầu ra tiếp tế.

Đi được hơn một tháng nhưng vẫn bị neo ngoài biển. Ba ngư dân bàn chuyện bỏ trốn. Khi tàu vào gần bờ, những ngư dân này đẩy thúng xuống nước và nói to “đi vô bờ cắt tóc”. Nhưng rồi nửa ngày vẫn không thấy họ quay lại. Tàu thiếu người, nhân lực còn lại phải lao động cực nhọc hơn. Thức trắng đêm, tóc họ dài phủ xuống mặt. Chờ tàu vô bờ, ông Tạc và Linh đẩy thúng xuống nước, vẫy tay chào chủ tàu và cũng nói lý do vô bờ cắt tóc cạo râu. Hai ngư dân không có một xu dính túi, phải chạy mượn tiền mua vé về quê. Ông Tạc ước tính, với số tiền chủ tàu cho ứng trước, nếu quy ra công thì mỗi ngày làm biển cực khổ được 150.000 đồng.

Ngư dân Trần Bình, quê ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cũng kể lại tình cảnh tương tự: “Em đi trúng tàu cá đánh bắt không ngon lắm. Cho nên họ cũng kiếm cớ không cho tàu vô trong bờ mà cứ liên hệ tàu ra chở cá rồi lấy lương thực, bơm dầu. Anh em nhớ vợ con muốn chết nhưng cứ phải ở trên biển”.

Liều mạng đu giàn khoan

Khi chiếc tàu cá chạy ngang qua khu vực giàn khoan dầu khí, bỗng trên tàu có tiếng la hét thất thanh “có người tự sát, nhảy nước”. Các ngư dân chạy dồn về một phía và chứng kiến vài ngư dân đang ôm phao bơi dưới biển. Chủ tàu liên tục vẫy tay và ném dây xuống cứu, nhưng những người kia vẫn cố bơi vào ôm chân giàn khoan dầu khí. Đó là những cảnh tượng khó tin được ông Hòa, chủ một tàu cá ở xã Phước Tỉnh, kể lại.

Sóng gió bạn chài ảnh 1

Ngư dân Mai Tạc vừa thoát khỏi tàu cá. Ảnh: Hà Anh

Một vụ việc khác xảy ra vào cuối năm 2015: tàu của Zambia lần đó vớt được 2 ngư dân là Vũ Văn Tiến và Trần Đại Long trôi dạt trên biển Vũng Tàu. Khi được cứu sống,  ngư dân trình bày là đi bạn trên tàu cá. Cả hai không nhớ được số tàu nào, nhưng trong quá trình lao động, thiếu kỹ năng nên bị chủ tàu ngược đãi, họ đã ôm phao nhảy
xuống biển.

Ông Hòa cho biết, những người đi trên tàu cá phi thân xuống nước trong câu chuyện của ông đến từ các tỉnh miền Tây. Ở Phước Tỉnh thiếu ngư dân đi bạn rất trầm trọng, chủ tàu phải tuyển rất nhiều ngư dân vùng sông nước miền Tây. Họ lên tàu đi đánh lưới giã cào và yêu cầu một tháng phải quay vô bờ nghỉ ngơi. Khi thấy tàu hậu cần ra chở cá vào và bơm nhiên liệu để tàu tiếp tục bám biển thì ngư dân bắt đầu “nổi loạn”.

Theo báo cáo của Đồn Biên phòng Phước Tỉnh, vụ việc gần đây nhất xảy ra vào ngày 15/3/2016, tàu cá BV 4356 và  BV 4365 của ngư dân Phước Tỉnh đánh bắt cách Côn Đảo 30 hải lý thì ngư dân đi bạn khống chế và yêu cầu cho tàu về quê. Ông Bảo, thuyền trưởng gọi điện cho tàu hậu cần chở thêm nhiên liệu ra tiếp tế, vì tàu đã làm được tròn một tháng. Nhiều ngư dân nghe tàu tiếp tục ở lại, nên đã đấu tranh không chịu làm. Ngư dân Võ Khâm, quê ở tỉnh Hà Tĩnh chỉ mặt thuyền trưởng Bảo tuyên bố sẽ “lấy mạng” nếu không vào bờ. Cuối cùng, ông Bảo phải gửi 7 ngư dân sang tàu cá khác để chở vào đất liền nghỉ ngơi.

Mượn tiền đi… chuồn

Ông Lương Thái Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, chuyện tàu cá ở địa phương thiếu hụt ngư dân nên phải thuê mướn ngư dân các tỉnh nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Đã xảy ra án mạng và cướp tàu để chạy vào bờ.

Đại úy Nguyễn Bá Cường, Đồn Biên phòng Phước Tỉnh cho biết, đơn vị đã giúp bà con ngư dân tìm ra được một số đối tượng mượn tiền rồi bỏ về quê hoặc trốn sang đi tàu khác.

Để kiếm đủ bạn, chủ tàu phải cho mượn trước tiền. Nhưng nhiều ngư dân cầm tiền rồi hứa hẹn theo kiểu “qua cầu gió bay”. Bà Nhân, vợ thuyền trưởng Phạm Tiết ở xã Tam Quan Bắc tỉnh Bình Định kể: “Thằng Thành ở Tân Thành tới mượn 2 triệu đồng nhưng không đi, cũng không trả. Thằng Quang con bà Bưởi cùng thôn, mượn hơn 4 triệu đồng, định bỏ sang tàu khác, vợ chồng chị phải chạy sang níu nó về lại tàu mình”. 

Đó là những tàu cá làm ăn nhỏ lẻ nên bạn chài chỉ mượn ít tiền. Còn các tàu đánh bắt xa bờ, mỗi lần vào mùa biển phải xuất ra rất nhiều tiền để cho bạn chài ứng trước. Bà Hảo ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi cho biết: “Cho 15 ngư dân ứng trước mỗi người 20 triệu, tổng cộng là 300 triệu. Không đủ tiền nên chị phải đi bốc nóng. Nhưng khổ nỗi là thỉnh thoảng lại có ngư dân mượn tiền rồi chạy mất”.

Hôm đó, nghe thông tin sắp có gió ở Hoàng Sa, 15 tàu cá Quảng Ngãi xuất bến Sa Kỳ từ 7 giờ sáng. Riêng tàu cá QNg 90352 (chủ tàu tên Quang) bị kẹt tại bến 8 tiếng đồng hồ. Nguyên nhân là một số ngư dân đi bạn đã mượn tiền bên tàu này, nhưng vẫn nhảy sang tàu của ông Quang mượn thêm. Vợ các chủ tàu bị quỵt tiền kéo xuống tàu đôi co đến 16 giờ chiều tàu mới chạy. Tàu ông Quang ra muộn nên khi cách Hoàng Sa 30 hải lý thì đúng thời điểm gió đổ mạnh, bị chìm. 13 ngư dân may mắn được cứu vớt trong đêm

_____________

(Còn nữa)

Xã Phước Tỉnh, thủ phủ nghề cá phía Nam với hơn 1.400 tàu cá công suất lớn, ước tính cần khoảng 20.000 ngư dân. Ngư dân ở địa phương này ồ ạt đóng tàu nên dẫn tới việc mất cân đối, tàu nhiều, nhân lực ít. Ngư dân ước tính thiếu hụt khoảng 30% nhân lực. Để kiếm đủ bạn chài đi biển, chủ tàu phải kêu gọi bạn khắp nơi. Hiện nay chiếm phần nhiều là các ngư dân không chuyên đến từ các tỉnh miền Tây. Dân miền Tây vốn quen sông nước, khi ra khơi đánh cá thì còn nhiều bỡ ngỡ và không chịu được sức ép của nghề biển dài ngày.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.