Phận nghèo neo đầu sóng
Tại âu thuyền Thọ Quang, lão ngư 73 tuổi Lê Văn Xấu (tổ 45 phường An Hải Bắc, Sơn Trà) đang cùng vợ sơn sửa lại con thuyền nhỏ, là gia tài đáng giá nhất của cặp vợ chồng già. Có lẽ cái tên cha mẹ đặt khiến vận xấu theo suốt đời ông. Có 6 người con, thì 4 người con trai đã lần lượt qua đời vì tai nạn giao thông và lao động, để lại 2 đứa cháu nội.
Con tàu ông bà đang sơn, lật úp, trơ thân mình tả tơi. Để có cái ăn, hằng ngày ông bà chèo thuyền gần 3km ra biển lặn bắt nghêu, sò, ốc, hến…kiếm dăm ba chục ngàn để sống qua ngày. Lắm bữa dông lốc, mạng sống mong manh giữa biển khơi.
Vợ chồng ông Nguyễn Khiêm và bà Nguyễn Thị Liên cùng 60 tuổi, trú tại chung cư Nguyễn Đức Hạnh (phường Thuận Phước, Hải Châu). Con tàu công suất 20CV là tài sản và “cần câu cơm” của vợ chồng ông bà hơn chục năm nay để nuôi đứa con trai bị tâm thần, lúc tỉnh lúc mê. Cạnh bên, vợ chồng ngư dân trẻ Trần Thị Bé – Phan Văn Huy hoàn cảnh cũng ngặt nghèo. Chị Bé bị suy thận nặng, ốm đau thường xuyên, mình anh Huy chòng chành cùng con thuyền nhỏ bám biển, để có tiền cho vợ chạy thận, nuôi con.
“Ngày đầu tái định cư lên đây, vợ chồng tính tích góp đóng thuyền lớn, nhưng ông trời không thương, tôi đổ bệnh. Giờ thì nghèo túng, lo ăn từng bữa với nuôi con nào dám nghĩ đến chuyện mua tàu”, chị Bé ôm con ngậm ngùi.
Lên bờ rồi biết làm gì?
Nói chuyện xóa tàu, thuyền thúng, hầu hết ngư dân đều băn khoăn một câu hỏi: lên bờ rồi sẽ làm gì? Ông Xấu kể rằng: Từ hồi Bí thư Nguyễn Bá Thanh còn sống, vợ chồng ông bà cũng nhận mấy triệu tiền hỗ trợ để dẹp tàu, tính chuyện lên bờ. Thế nhưng dạo đó, tiền tiêu hết, cũng chẳng thấy ai nói năng gì. Hỏi ông lần này nếu bắt buộc lên bờ ông tính sao? Ông Xấu lắc đầu: “Mấy chục năm bám biển, giờ lên bờ chẳng biết làm gì. Cùng lắm thì đi bán vé số, làm thuê, rửa bát, lượm ve chai…”.
Đề án giảm số lượng tàu cá, thuyền thúng gắn máy công suất nhỏ hơn 20CV khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ của Đà Nẵng nhằm giảm tác động tiêu cực của nhóm phương tiện này đối với nguồn lợi hải sản, đa dạng sinh học, đồng thời khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề, vươn khơi khai thác, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Theo thống kê, ngoài 777 phương tiện có công suất dưới 20CV, thì khu vực ven bờ, bãi ngang còn có 218 phương tiện nhỏ khác không đăng ký hoạt động (75 tàu và 143 thuyền thúng gắn máy). Tàu cá khai thác ven bờ chủ yếu là tàu vỏ gỗ, một số là nan be gỗ, có kích thước nhỏ, đánh bắt thủ công, manh mún, nhỏ lẻ, phương tiện bảo hộ thô sơ, không đảm bảo an toàn.
Từ năm 2016 đến năm 2020 thành phố sẽ trích 23,47 tỷ đồng để thu mua lại các phương tiện cũng như hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.200 lao động. Cụ thể, các phương tiện nằm trong diện này sẽ được thu mua lại với mức từ 10-30 triệu đồng đối với các phương tiện đã đăng ký; và từ 5-10 triệu đồng đối với phương tiện chưa đăng ký. Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ các chủ tàu mức 10 triệu đồng/người (phương tiện không đăng ký không được hỗ trợ).
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thuận Phước cho biết: đa phần ngư dân đánh bắt tàu thuyền dưới 20CV đều nghèo khó. Nếu xóa tàu thuyền này, số lượng gia đình lâm vào cảnh khó khăn sẽ rất nhiều. Do đó, tốt nhất thành phố nên hỗ trợ ghe tàu dưới 20CV vay vốn nâng công suất máy thay vì đưa hết lên bờ.
Quận Sơn Trà là địa phương có nhiều tàu cá, thuyền thúng gắn máy công suất dưới 20CV (496 phương tiện đăng ký và 41 phương tiện không đăng ký). Ông Mai Văn Đãi, cán bộ quản lý hải sản phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà) cho biết: phường có 117 tàu thuyền dưới 20CV với bình quân 2 – 4 lao động/tàu thuyền. Để giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho ngư dân lên bờ theo đề án là hết sức khó khăn. Vừa qua quận có công văn triển khai đăng ký xả bản (phá bỏ tàu thuyền), phường triển khai nhưng cũng chỉ có 5 hộ chủ yếu là người già yếu đăng ký.