'Soi' tiến độ dự án đường vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong khi đường vành đai 4 vùng Thủ đô đang cơ bản được triển khai đáp ứng tiến độ, đường vành đai 4 TPHCM lại đứng trước nguy cơ thiếu vật liệu thông thường...

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo tiến độ dự án đường vành đai 3 TPHCM và vành đai 4 Hà Nội gửi Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Dự án vành đai 4 Hà Nội

Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội dài dài hơn 112km, trong đó đoạn qua Hà Nội dài hơn 58km, qua Hưng Yên hơn 19km, qua Bắc Ninh hơn 35km.

Tổng mức đầu tư trên 85.813 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương tham gia hơn 28.193 tỷ đồng (Hà Nội góp 23.524 tỷ đồng; Hưng Yên 1.505 tỷ đồng; Bắc Ninh 3.164 tỷ đồng), vốn BOT hơn 29.447 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công trước 30/6 tới, hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027.

'Soi' tiến độ dự án đường vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TPHCM ảnh 1

Cắm mốc giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 3 TPHCM.

Bộ GTVT cho hay, tới nay các địa phương được giao làm chủ đầu tư đoạn qua địa bàn mình đã ký kế hoạch phối hợp triển khai dự án. Các địa phương đã phê duyệt chỉ giới, chính sách, giao đơn vị đầu mối, bố trí vốn và chỉ định nhà thầu thực hiện các công việc liên quan giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Với đoạn vành đai 4 qua Hà Nội (đầu tư công), tới nay địa phương đã thực hiện xong báo cáo đánh giá tác động môi trường; đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để phê duyệt. Đoạn qua Hà Nội kêu gọi đầu tư BOT, địa phương đã xong khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư.

Đoạn vành đai 4 qua Hưng Yên, chủ đầu tư đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Vành đai 4 qua Bắc Ninh, địa phương đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường để trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Bộ GTVT đánh giá, tới nay, các địa phương được giao chủ đầu tư dự án đường vành đai 4 Hà Nội đã triển khai các công việc liên quan cơ bản đạt tiến độ. Các địa phương kiến nghị bộ ngành liên quan sớm xem xét, phê duyệt các báo cáo liên quan dự án để triển khai, như báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo khả thi, chọn nhà đầu tư tham gia BOT.

Dự án đường vành đai 3 TPHCM

Dự án đường Vành đai 3 TPHCM dài hơn 76km, qua TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 38.741 tỷ đồng, TPHCM bố trí hơn 24.000 tỷ đồng, Đồng Nai hơn 1.900 tỷ đồng, Bình Dương hơn 9.600 tỷ đồng, Long An hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công trong năm nay, hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác năm 2026.

Bộ GTVT cho biết, tới nay, các địa phương có dự án đi qua đã ký quy chế phối hợp triển khai, giao nhiệm vụ cho đơn vị liên quan, bố trí vốn kế hoạch, chọn nhà thầu tư vấn đầu tư và bắt tay giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Tuy nhiên, Bộ GTVT đánh giá, nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát) phục vụ dự án đường vành đai 3 TPHCM rất lớn. Kết quả khảo sát sơ bộ của các đơn vị liên quan cho thấy, đất đắp nền đường, cát và đá xây dựng các loại cơ bản đảm bảo nguồn cung ứng cho dự án. Tuy nhiên, cát đắp nền đường (khoảng 7,2 triệu m3) đang gặp khó trong việc tìm nguồn cung cấp.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, thiếu vật liệu đắp nền đường, giá cao là một trong những nút thắt bậc nhất, gây cản trở việc thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có vành đai 3 TPHCM. Các khó khăn này chủ yếu liên quan đến quy trình cấp phép khai thác mỏ đất, đá, cát cho dự án đầu tư công.

TPHCM đã có văn bản đề nghị địa phương có nguồn cát lớn chia sẻ với Thành phố trong triển khai đường vành đai 3, như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Tuy nhiên, tới nay các địa phương này chưa có phản hồi đề nghị của TPHCM.

TPHCM kiến nghị các bộ ngành liên quan và địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long sớm xem xét, giải quyết các vướng mắc về nguồn vật liệu cát đắp nền; hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc liên quan tới cấp phép khai thác mỏ vật liệu để đáp ứng nguồn vật liệu cho triển khai dự án.

MỚI - NÓNG