Sóc Trăng quyết giành 'thắng lợi kép' trong phát triển Kinh tế - Xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại lễ khởi công nhà máy điện gió tại TX Vĩnh Châu do Cty TNHH BPP Vĩnh Châu Wind Power (đơn vị thuộc Tập đoàn Năng lượng Banpu) đầu tư
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại lễ khởi công nhà máy điện gió tại TX Vĩnh Châu do Cty TNHH BPP Vĩnh Châu Wind Power (đơn vị thuộc Tập đoàn Năng lượng Banpu) đầu tư
TP - Sóc Trăng là tỉnh có vị trí quan trọng trong vùng duyên hải phía đông vùng Ðồng bằng sông Cửu Long, những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều điểm sáng, phát triển vượt bậc, nhất là năm 2019, Sóc Trăng đạt và vượt cả 20/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) đạt 7,3% (cao nhất kể từ năm 2015), thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng: Quý I năm 2020, trong điều kiện khó khăn chung, sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ đều có bước tăng trưởng khá so với bình quân chung cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,1% so cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,21%, xuất khẩu tăng hơn 12%. Sóc Trăng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn, trong sản xuất nông nghiệp tỉnh đã tích cực, chủ động xuống giống sớm, giảm tối đa thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, năng suất bình quân đạt 6,32 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, là một trong 5 tỉnh có năng suất lúa cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có giống gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới.

Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chỉ thị, Công điện và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành về phòng, chống dịch COVID-19, thành lập 23 đội phản ứng nhanh, chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung và thực hiện tốt công tác cách ly theo đúng quy định, đến nay chưa ghi nhận ca dương tính với vi-rút SARS-COV-2.

Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, lao động và các vấn đề xã hội có nhiều tiến bộ, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,97%, an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện kịp thời, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%; quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm thực hiện; cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử có nhiều cố gắng.

Bên cạnh việc phát huy những điểm mạnh, thành tựu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Sóc Trăng cần quan tâm chỉ đạo khắc phục bất cập, khó khăn trong một số lĩnh vực như: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, phát triển doanh nghiệp còn khó khăn, kết cấu hạ tầng giao thông còn bất cập, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là hộ nghèo người dân tộc Khmer còn ở mức cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện cho biết: Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ 2015-2020, với tâm thế quyết tâm bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra. Trong năm 2020, tỉnh tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng chất lượng, bền vững, hiệu quả, trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sản xuất theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quy hoạch, mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu gắn liền với sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, nhất là lúa đặc sản ST25; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo điều kiện phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cuối tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Sóc Trăng năm 2019 và quý I/2020. Tại buổi họp, Thủ tướng đã đánh giá cao, biểu dương nỗ lực, đoàn kết và những thành tựu quan trọng mà Sóc Trăng đã đạt được, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước và chỉ ra và đề nghị Sóc Trăng khắc phục những bất cập, khó khăn để giành “thắng lợi kép” trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục huy động sử dụng tốt mọi nguồn lực, chủ động, tích cực, tập trung cao độ triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020. Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, quyết tâm giành “thắng lợi kép” trong phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phòng, chống dịch COVID-19, phấn đấu đến năm 2025, Sóc Trăng phải là một tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo dõi sát, thông tin nhanh chóng, kịp thời tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và huy động tốt các nguồn lực, triển khai thực hiện các giải pháp phù hợp với thực tế của địa phương để phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; chỉ đạo kiên quyết hơn các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp khả năng bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, có tính liên kết vùng trên địa bàn; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phát triển các ngành dịch vụ, phát huy tiềm năng, thế mạnh trong du lịch, nhất là du lịch lễ hội, văn hóa - lịch sử; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2021 số lượng doanh nghiệp tăng gấp 3 lần lên khoảng 8 nghìn doanh nghiệp.

Sóc Trăng cũng chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Ðến nay đã có nhiều nhà đầu tư đến Sóc Trăng tìm hiểu cơ hội đầu tư và thực hiện dự án. Một số dự án quan trọng đã được thực hiện như Dự án bến tàu cao tốc Trần Ðề - Côn Ðảo của Công ty cổ phần tàu cao tốc Superdong Kiên Giang, Dự án khu sản xuất tôm giống biển của Công ty cổ phần thủy sản Việt - Úc, Tập đoàn Vingroup,...

Tỉnh Sóc Trăng đến nay có 21 dự án điện gió ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2017-2020. Hiện đã có 9 nhà đầu tư và đã có 4 nhà máy được khởi công xây dựng. Với lĩnh vực đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, có 9 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư giai đoạn 2017 - 2020, với tổng diện tích trên 1.000ha. Các dự án nêu trên được kêu gọi đầu tư dưới hình thức đối tác công tư (PPP) và xét chọn nhà đầu tư.

Sóc Trăng quyết giành 'thắng lợi kép' trong phát triển Kinh tế - Xã hội ảnh 1

Tàu cao tốc hoạt động tuyến cảng Trần Ðề - Côn Ðảo

Sóc Trăng quyết giành 'thắng lợi kép' trong phát triển Kinh tế - Xã hội ảnh 2
MỚI - NÓNG