Số phận tăng T-90 Syria trúng đòn trực diện của tên lửa TOW

Một đèn chế áp quang điện tử trong hệ thống Shtora (khoanh đỏ) trên chiếc T-90 gục xuống sau khi trúng tên lửa TOW. Ảnh: Twitter.
Một đèn chế áp quang điện tử trong hệ thống Shtora (khoanh đỏ) trên chiếc T-90 gục xuống sau khi trúng tên lửa TOW. Ảnh: Twitter.
Hình ảnh mới được công bố cho thấy chiếc xe tăng T-90 chỉ bị hư hại rất nhẹ sau khi hứng trọn một quả tên lửa diệt tăng TOW của phe đối lập Syria.

Cuối tháng trước, một đoạn video được phe đối lập Syria tung lên mạng cho thấy một chiếc xe tăng T-90 hiện đại của Nga bị trúng một quả tên lửa chống tăng TOW do Mỹ sản xuất trong trận chiến ở ngoại ô thành phố Aleppo, theo Washington Post.

Trong đoạn video, chiếc xe tăng T-90 đã không phát nổ sau khi bị quả tên lửa nặng khoảng 7 kg bắn trúng giữa thân. Một người lính Syria đã cuống cuồng nhảy ra khỏi tháp pháo sau phát bắn. Đoạn video đã làm dấy lên những tranh cãi trong dư luận về số phận của chiếc xe tăng sau cú đòn trực diện đó. Nhiều người cho rằng chiếc T-90 đã sống sót, nhưng cũng không ít người cho rằng cỗ xe này bị hư hại nặng, không thể tiếp tục tham chiến sau đó.

Gần đây, trên các diễn đàn quân sự Nga xuất hiện bức ảnh chụp một chiếc xe tăng với lời giải thích rằng đây chính là chiếc T-90 bị trúng tên lửa TOW trong đoạn video. Các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng tuyên bố này là xác thực, và có vẻ như quả tên lửa chỉ gây ra đòn "gãi ngứa" cho chiếc xe tăng.

Theo chuyên gia phân tích quân sự Robert Beckhusen của WarIsboring, bức ảnh cho thấy tên lửa TOW đã bắn trúng bên phải tháp pháo của xe tăng, khiến một trong hai đèn chế áp quang điện tử Shtora phía dưới tháp pháo bị gục xuống. Ngoài ra, toàn bộ chiếc xe tăng không bị hư hại nhiều và dường như vẫn hoạt động tốt.

Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Thép của Nga, công ty chuyên chế tạo những miếng kim loại làm nên lớp giáp phản ứng nổ cho tăng T-90, tỏ ra rất phấn khích với bức ảnh này. Theo họ, lớp giáp phản ứng nổ trên chiếc xe tăng đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, cứu kíp tăng khỏi một thảm họa kinh hoàng.

Các kỹ sư tại viện này cho rằng nếu không có lớp giáp phản ứng nổ Kontakt-5, chắc chắn chiếc T-90 sẽ bị quả tên lửa TOW khoan thủng, và toàn bộ luồng hỏa khí có nhiệt độ hơn 1.000 độ từ quả tên lửa sẽ phụt vào trong xe, thiêu đốt kíp tăng và kích nổ đạn dược, nhiên liệu bên trong. Hậu quả là cả chiếc xe tăng sẽ biến thành ngọn đuốc khổng lồ, khói lửa phụt lên cao hàng mét từ nắp tháp pháo và nòng pháo, khiến kíp tăng không có cơ hội sống sót.

Việc một binh sĩ Syria nhảy ra khỏi xe tăng sau tiếng nổ của tên lửa cho thấy anh ta không bị thương nghiêm trọng, dường như chỉ bị choáng vì sức ép do nắp tháp pháo mở toang, hứng trọn luồng sóng xung kích từ vụ nổ.

Các kỹ sư nhận định giáp phản ứng nổ Kontakt-5 đã được kích hoạt kịp thời, đẩy toàn bộ luồng hỏa khí của tên lửa TOW ra bên ngoài, ngăn không cho nó khoan thủng lớp giáp xe tăng và phụt vào bên trong.

Thiệt hại nặng nhất của chiếc xe tăng chính là đèn chế áp quang học Shtora, vũ khí đáng ra phải ngăn chặn được tên lửa TOW trước khi nó chạm vào xe tăng. Theo các chuyên gia quân sự, nhiều khả năng kíp tăng đã tắt hệ thống Shtora trước khi bị tấn công, hoặc hệ thống chế áp này không hoạt động vào thời điểm đó.

Số phận tăng T-90 Syria trúng đòn trực diện của tên lửa TOW ảnh 1

Hai đèn chế áp quang học được trang bị trên xe tăng T-90. Ảnh: Sputnik.

Shtora là một hệ thống gây nhiễu quang học được thiết kế để bẻ gãy tín hiệu dẫn đường của các tên lửa chống tăng. Nó được trang bị đèn chế áp quang học, phát ra ánh sáng bức xạ có tần số và dải sóng gần giống với nguồn sáng điều khiển tên lửa. Càng đến gần xe tăng, tên lửa càng nhận được ít tín hiệu điều khiển hơn, trong khi ánh sáng bức xạ gây nhiễu càng mạnh lên, khiến hệ thống điều khiển tên lửa bị nhiễu loạn và ra lệnh tự hủy khi nó còn cách xe tăng vài mét.

T-90 là một trong các xe tăng hiện đại nhất của Nga, dù xe tăng xuất hiện trong đoạn video là biến thể đời cũ sản xuất đầu thập niên 1990. Nga bắt đầu đưa T-90 tới Syria sau khi phe đối lập ở nước này được Mỹ và Arab Saudi tăng cường "sát thủ diệt tăng" TOW. Tên lửa TOW đã gây rất nhiều thiệt hại cho các xe tăng đời cũ T-72, T-62 và T-55 của quân đội Syria.

Tên lửa chống tăng BGM-71 TOW ra đời từ thập niên 1970 và được phe đối lập sử dụng rất rộng rãi trong cuộc xung đột Syria để xóa bỏ khoảng cách về thiết giáp với quân đội chính phủ.

Số phận tăng T-90 Syria trúng đòn trực diện của tên lửa TOW ảnh 2

Quân nổi dậy Syria sử dụng tên lửa TOW tấn công xe tăng của quân chính phủ. Ảnh: Aljazeera.

Tên lửa TOW đã phá hủy hàng trăm xe tăng, xe cơ giới và một số trực thăng trên mặt đất của quân đội Syria. Tên lửa bắn chiếc T-90 là loại TOW 2A bắn trực tiếp vào mục tiêu trong khi biến thể mới hơn TOW 2B sẽ bay 4,8 m trên đầu mục tiêu trước khi phát nổ, bắn ra đầu đạn lao thẳng xuống điểm yếu nhất của xe tăng là nóc tháp pháo.

Theo tạp chí Military-Industrial Courier của Nga, bức ảnh mới xuất hiện phần nào cho thấy khả năng sống sót khá cao của xe tăng T-90 trên chiến trường, nơi các vũ khí chống tăng luôn là nỗi ám ảnh của bất cứ lực lượng thiết giáp nào. "Quân đội Syria chắc hẳn thở phào nhẹ nhõm khi tính mạng kíp tăng đã được cứu", Beckhusen nhận định.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.