Số phận mong manh của Mistral và những toan tính ngớ ngẩn

Các tàu Vladivostok (trái) và Sevastopol tại nhà máy đóng tàu Saint-Nazaire Ảnh: REUTERS
Các tàu Vladivostok (trái) và Sevastopol tại nhà máy đóng tàu Saint-Nazaire Ảnh: REUTERS
TPO - Hai tàu sân bay trực thăng lớp Mistral được Pháp đóng theo đặt hàng của Nga có thể bị đánh chìm ngoài khơi. Xung quanh tuyên bố này, giới phân tích quân sự cho rằng đó thật sự là toan tính 'ngớ ngẩn'.

Pháp dọa đánh chìm tàu Mistral

Báo Pháp Le Figaro vừa đưa tin Paris có thể dùng phương án đánh chìm 2 tàu sân bay trực thăng Mistral trên vùng biển lớn để hủy hợp đồng trị giá 1,12 tỉ USD và từ chối bàn giao cho Nga.

Theo kế hoạch, chiếc tàu đầu tiên là Vladivostok được bàn giao trong tháng 11/2014 song Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố hoãn lại “cho đến khi có thông báo mới”. 

Trong khi đó, con tàu thứ hai mang tên Sevastopol dự kiến giao vào đầu năm 2015 nhưng cũng mắc kẹt như chiếc đầu. 

Nguyên nhân chung là cuộc khủng hoảng Ukraine hồi đầu năm 2014 khiến Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này. Vì thế, Mỹ cùng EU đã gây sức ép để buộc Pháp phải ngừng bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga. 

Le Figaro nói thêm rằng kế hoạch thiết kế lại tàu để thích ứng với Hải quân Pháp dường như không khả thi vì chúng được thiết kế đặc biệt phù hợp với nhu cầu của Hải quân Nga. Nếu chọn giải pháp tu bổ, chi phí có thể lên đến hàng trăm triệu euro. 

Trong khi đó, phía Nga dù trước đó rất muốn có Mistral đã nói rằng, họ cũng không còn thiết tha đến Mistral nữa và không phản đối việc Pháp bán tàu cho bên thứ ba. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin cách đây không lâu từng nói, Moscow chỉ muốn Pháp trả lại tiền mà Nga đã thanh toán cho hợp đồng tàu Mistral. 

Chuyên gia Nga nói gì? 

Phản ứng trước việc Pháp tính đến phương án ý đánh chìm các tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral đóng cho Nga, Đô đốc Vyacheslav Popov, cựu Tư lệnh Hạm đội Biển Bắc bức xúc nói: "Không một nhà lãnh đạo sáng suốt ở bất cứ cấp độ nào lại quyết định đánh chìm những công trình kỹ thuật tương tự".

Số phận mong manh của Mistral và những toan tính ngớ ngẩn ảnh 1

Tàu Mistral

Theo cựu Tư lệnh Hạm đội Biển Bắc, nếu Pháp không bàn giao cho Nga các tàu đổ bộ Mistral thì có nhiều phương thức hợp lý để quyết định số phận của những chiếc tàu này. "Có thể tháo dỡ bán sắt vụn, hoặc bán cho đối tác nào đó có nhu cầu", ông Popov nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự - Giám đốc Trung tâm nghiên chiến lược (Nga) Ivan Konovalov chia sẻ với hãng tin Sputnik: "Bán lại những tàu chiến này là điều khó thực hiện bởi vì thứ nhất, lõi tàu là của Nga, thứ hai, thị trường tàu đổ bộ đa năng là không lớn.

Và dù theo thông tin của tờ báo Le Figaro (Pháp), Paris đang xem xét khả năng bán lại 2 tàu Mistral cho nước khác như Canada, Ai Cập và "một trong các nước khu vực Bắc Âu" nếu được Mỹ hỗ trợ thì nhu cầu của những nước này đối với loại tàu tương tự là rất hạn chế.

Ông Konovalov cũng cho hay, "Nếu như Mỹ "gây áp lực" đối với ban lãnh đạo Ai Cập thì có thể Ai Cập sẽ mua. Nhưng họ sẽ làm gì với nó?  Ai Cập không cần tàu đổ bộ. Canada lại càng không cần. Nếu có thì là tàu sân bay và phải là tàu sân bay của Mỹ. Chỉ những quốc gia có thể triển khai các chiến dịch quân sự ngoài khơi mới cần tới những tàu đổ bộ này.

Hồi kết cho Tổng thống Pháp?

Quyết định của chính phủ Pháp đang gây ra sự quan ngại trong số các lãnh đạo doanh nghiệp Pháp. "Tôi rất không vui với thực tế là Pháp không chịu bàn giao tàu Mistral cho Nga, ”, ông Sanches Encerra – một thành viên Quốc hội Pháp nói.
  
Trong khi đó, ông Jean-Pierre Thomas – một cựu cố vấn của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy cho rằng, bất kỳ quyết định nào nhằm đánh đắm hai chiếc tàu Mistral đắt đỏ đều là hành động ngớ ngẩn, ngu ngốc. 

Số phận mong manh của Mistral và những toan tính ngớ ngẩn ảnh 2

“Sẽ hoàn toàn là điều vô lý. Chúng ta sẽ mất việc làm cho 1.000 công nhân ở Saint-Lazare đang đóng hai chiếc tàu chiến đó. Pháp sẽ mất tiền và mất việc làm, đó là về mặt kinh tế. Mất mát thứ hai là về hình ảnh”, ông Thomas nói thêm.   

Theo tính toán của một chuyên gia, nếu hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral mà Pháp đóng cho Nga vẫn tiếp tục ở lại Pháp thì riêng chi phí để duy trì, bảo dưỡng và bảo đảm an ninh cho hai con tàu đó đã ngốn của những người đóng thuế ở Pháp số tiền khoảng 5 triệu euro mỗi tháng. Đây là một con số không hề nhỏ. 
  
Nếu Pháp quyết định trả lại Nga số tiền mà Nga đã thanh toán trước cho hợp đồng Mistral như Tổng thống Hollande đề cập trước đó thì Paris sẽ phải trả số tiền lên tới 890 triệu euro (965 triệu USD). 

Với một số khoản tiền phạt và bồi thường, tổng số tiền mà Paris phải trả cho Moscow sẽ lên tới hơn 1 tỉ euro. Đây có lẽ là cái giá quá đắt đối với Pháp trong cuộc đối đầu với Nga.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm nghiên chiến lược (Nga) Ivan Konovalov thì khẳng định, nếu chính quyền Pháp quyết định tiêu hủy hoặc đánh chìm 2 tàu Mistral thì nó sẽ là hồi kết sự nghiệp chính trị của Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Ông Ivan Konovalov nhấn mạnh: "Nếu điều đó xảy ra và các tàu đổ bộ này bị đánh đắm thì tất nhiên, ông Hollande sẽ không có bất cứ cơ hội nào trong cuộc bầu cử sắp tới. Và ông Hollande sẽ đi vào lịch sử Pháp như một vị Tổng thống đánh chìm 2 tàu đổ bộ Mistral. Đó sẽ là điều duy nhất người ta nhớ đến ông ta".

Với chiều dài 199m, chiều rộng 32m và lượng giãn nước là 21.600 tấn, Mistral là chiến hạm lớn thứ hai của Hải quân Pháp.

Tàu lớp Mistral có kết cấu khoang đáy khá lớn, được chia làm nhiều khoang, chứa xe cơ giới và trực thăng. 

Khoang đầu tiên là boong phóng máy bay, với  sân bay rộng khoảng 6.400 m2, được bố trí 6 vị trí cho 6 máy bay trực thăng có thể cất cánh cùng một lúc. Khoang chứa máy bay có thể chứa 16 máy bay trực thăng hạng nặng hoặc 35 máy bay trực thăng hạng nhẹ.

Mistral có thể đảm nhiệm vai trò của một chiếc tàu sân bay hạng nhẹ, có thể bố trí triển khai các máy bay cất hạ cánh thẳng đứng hoặc đường băng ngắn kiểu Harrier và F-35.

Tàu đổ bộ lớp Mistral còn có khoang chứa chuyên dụng với diện tích 2.650 m2 để chở trang thiết bị phục vụ cho các chiến dịch của hải quân. Nó có thể chở một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc, hoặc một thiết đội 13 xe tăng hạng nặng Leclerc và 46 xe các loại khác. Các tàu Mistral có thể vận chuyển tới 450 quân, với các chiến dịch ngắn hạn có thể tăng gấp đôi lên 900 quân.

Tàu Mistral có khoang chứa rộng 885 m2 để triển khai được 4 tàu đổ bộ thông thường loại CMT. 

Hệ thống phòng vệ của Mistral gồm hai tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn MBDA Simbad dùng cho tên lửa Mistral. Tổ hợp này được tích hợp hệ thống ra đa dẫn đường hồng ngoại với tầm hoạt động hơn 6 km cung cấp khả năng phòng thủ trước máy bay và tên lửa hành trình đối hạm, hai tổ hợp pháo phòng không hải quân Breda-Mauser 30mm được sử dụng tiêu diệt tàu tuần tiễu cỡ nhỏ, phòng không tầm ngắn, máy bay, trợ giúp tấn công các xe thiết giáp hỗ trợ cho lính thủy đổ bộ lên bờ biển và bốn súng máy M2-HB Browning 12,7mm.

Hệ thống radar của tàu Mistral có thể phát hiện các mục tiêu tầm thấp và trung bình ở các khoảng cách tới 140 km và các mục tiêu ở khoảng cách tới 180 km ở chế độ cảnh giới không gian 3 chiều tầm xa. Trong chế độ tự vệ, nó có thể phát hiện và theo dõi mối đe dọa bất kỳ trong vòng bán kính 60 km.

Sức mạnh của Mistral trong tác chiến thuỷ lục phối hợp nằm ở khả năng đổ quân nhanh với số lượng lớn các xe chiến đấu hạng nặng trên các địa hình bờ biển phức tạp. Đồng thời, các máy bay trực thăng từ Mistral có thể đảm nhiệm những nhiệm vụ phức tạp ở khoảng cách xa hay những hoạt động quân sự nằm sâu trong đất liền.

MỚI - NÓNG