Số phận gần 1.000 giáo viên, nhân viên tiếp tục bị... treo

Số phận gần 1.000 giáo viên, nhân viên tiếp tục bị... treo
TP - Những tưởng sau ý kiến chỉ đạo của Bộ Nội vụ, vụ việc gây nhức nhối dư luận Quảng Bình này sẽ được giải quyết dứt điểm, nhưng những rắc rối mới lại nảy sinh.

>> Tỉnh làm sai, gần 1.000 giáo viên, nhân viên lãnh đủ

Công văn số 3011/BNV-CCVC ngày 19/10/2007 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn ký yêu cầu: “UBND tỉnh Quảng Bình thực hiện việc tuyển dụng viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 5, Nghị định 116/2003/NĐ-CP bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển theo quy định của pháp luật”.

Tại diễn đàn kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Bình tháng 12/2007 được truyền hình trực tiếp, lộ trình để xử lý rốt ráo vụ việc tồn đọng hơn 15 năm qua cũng đã cụ thể và được sự đồng tình của các đại biểu HĐND. Vụ việc tuyển “lậu” GV, NV trong ngành giáo dục gây sự bất bình trong dư luận suốt một thời gian dài sẽ được chấm dứt vào ngày 15/1/2008.

Những người quan tâm và những người xem truyền hình trực tiếp thở dài nhẹ nhõm coi như đã kết thúc được một vụ việc nhức nhối bấy lâu nay. Thế nhưng, cho đến ngày 14/1/2008, toàn bộ đề án cũng như lịch xét tuyển do Sở Nội vụ tỉnh này báo cáo trước HĐND đã không thể thực hiện như kế hoạch.

Như trong đề án được Sở Nội vụ trình bày trước HĐND thì từ 1-15/1/2008 việc xét tuyển hoàn tất, thông báo kết quả, giải quyết chế độ chính sách, báo cáo về Bộ Nội vụ. Thế nhưng, toàn bộ đề án trên phải chờ Ban Thường vụ Tỉnh ủy (TVTU) của tỉnh này xếp lịch cho ý kiến đã mới được thực hiện.

Mãi đến ngày 20/12/2007, Ban TVTU xếp được lịch cho ý kiến vào đề án trên. Và thêm 13 ngày nữa, ngày 3/1/2008, mới có thông báo kết luận chính thức được ban hành. Nội dung chủ yếu cho việc xử lý hậu quả của việc tuyển “lậu” gần 1.000 GVNV này là: “Đồng ý thành lập Hội đồng xét tuyển chung do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng.

Đây là đợt xét tuyển đặc thù, do đó phạm vi đối tượng xét tuyển chỉ trong số 826 GV,NV tuyển không đúng quy định tại ngành GD-ĐT tại tỉnh từ 1992-2005 (không xét chung với các đối tượng ngoài xã hội)... Những trường hợp không đủ tiêu chuẩn cần có phương án giải quyết tiếp theo theo đúng chính sách sử dụng người lao động”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình làm trái pháp luật?

Chỉ đạo của Ban TVTU tỉnh Quảng Bình chỉ đồng ý cho xét tuyển chỉ trong phạm vi các đối tượng “lỡ tuyển” là trái với Điều 5, Nghị định 116. Ngay tại mục a, khoản 1 của điều này quy định, đối tượng được dự tuyển là “công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam”.

Như thế, lại một lần nữa Ban TVTU QB “chặn” cơ hội vào ngành giáo dục của hơn 2.000 người khát khao vào ngành theo đúng luật định. Dư luận cho rằng, việc xét tuyển chỉ trong phạm vi các đối tượng “lỡ tuyển” là trái luật.

Nó được hiểu như là một cách hợp thức hóa cho các đối tượng tuyển sai luật này được chính thức ăn lương biên chế Nhà nước và nó đồng nghĩa với việc hợp thức hóa cho các sai phạm mà nhiều vị chủ chốt hiện nay đang gây ra. Hiện tại, lãnh đạo tỉnh này đang chịu sức ép trước số phận của gần 1.000 con người trong diện “lỡ tuyển”.

Nhưng nếu xử lý theo chiều hướng “hợp thức hóa đến mức cao nhất cho họ” theo kiểu chỉ xét tuyển nội bộ thì không khéo lãnh đạo tỉnh này lại đối mặt với một sức ép mới của hơn 2.000 con người, 2.000 số phận không được dự tuyển.

Kết luận cho phần chất vấn về vụ việc tuyển “lậu” gần 1.000 GVNV, ông Lương Ngọc Bính, Chủ tịch HĐND ( hiện ông là Quyền Bí thư Tỉnh ủy, nguyên trước đây là GĐ Sở GD-ĐT, người đã đặt bút ký tuyển trên 230 trường hợp trái các quy định của pháp luật, nói rằng, trong quá trình xử lý nếu có khó khăn sẽ tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Nội vụ.

Lại một lần nữa số phận của gần 1.000 GVNV “lỡ tuyển” lại tiếp tục bị “treo” trong nơm nớp lo âu và thấp thỏm. Tết đang đến rất gần.

MỚI - NÓNG