4 tuyến địa phương phải chuyển bến
Lý giải về việc phải xây dựng phương án điều chuyển lại trên, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau hơn 3 tháng điều chuyển nhiều lượt xe từ theo hướng Bắc - Nam - Đông - Tây, trong đó nhiều nhất là các lượt được chuyển từ bến Mỹ Đình về Nước Ngầm, các DN vận tải tại đây đã phản ứng, cho rằng, về bến mới không có khách. Trong khi đó, các lượt xe chạy cùng tuyến ở các bến khác vẫn nhộn nhịp… Để hài hòa lợi ích và đảm bảo công bằng trong hoạt động vận tải giữa các nhà xe, cùng với đó là thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố tại buổi đối thoại với doanh nghiệp vừa qua, Sở GTVT tiếp tục rà soát, bố trí hợp lý và tái cấu trúc các tuyến vừa điều chuyển vừa qua.
“Mục đích chính là để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch và hài hòa trong hoạt động của các tuyến xe khách từ các địa phương, như: Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình”, ông Quang cho hay.
“Tổng cộng các tuyến đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa tại hai bến Giáp Bát, Nước Ngầm là 1.287 chuyến/ngày sẽ được Sở GTVT điều chuyển, tái cấu trúc lại”, ông Quang nhấn mạnh.
Xe mỗi tỉnh chỉ ở một bến
Theo kế hoạch sắp xếp, chuyển bến của Sở GTVT Hà Nội vừa qua, từ tháng 1/2017, Sở GTVT đã thực hiện chuyển bến 680 chuyến/ngày giữa các bến xe: Mỹ Đình, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Giáp Bát, Gia Lâm. Riêng các lượt xe được điều chuyển từ bến Mỹ Đình về Nước Ngầm để chạy theo hướng các tỉnh phía Nam có 487 chuyến/ngày của các nhà xe chạy các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Theo phướng án điều chuyển, sắp xếp lại theo hướng tái cấu trúc, thời gian tới Sở GTVT sẽ chuyển toàn bộ các tuyến đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình tại bến Nước Ngầm về bến Giáp Bát; các lượt xe được điều chuyển này có tổng cộng 388 chuyến/ngày của 67 DN vận tải. Chuyển toàn bộ 234 tuyến/ngày của 40 DN vận tải chạy tuyến Thanh Hóa tại bến xe Giáp Bát về bến xe Nước Ngầm.
Đánh giá về phương án này, Sở GTVT cho rằng, việc chuyển các lượt tuyến xe trên về cùng một bến sẽ đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch đối với các tuyến xe khách chạy cùng địa phương. Tuy nhiên các chuyên gia vận tải lưu ý, hiện bến xe Giáp Bát đã gần như đủ công suất, tình trạng ùn tắc trên trục đường Giải Phóng đang ngày một diễn ra phức tạp, việc Sở GTVT điều chuyển thêm 388 chuyến xe khách/ngày về đây sẽ làm cho bến xe thêm quá tải, giao thông phức tạp.
Các doanh nghiệp đang hoạt động ở cả bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm cho rằng, Sở GTVT nên đưa ra phương án “mềm” để DN lựa chọn. Cụ thể, nên đưa ra hai phương án, thứ nhất DN nào muốn chuyển về một trong hai bến trên thì đăng ký; thứ hai, DN nào đã đi vào hoạt động ổn định không muốn chuyển bến thì không đăng ký.
“Vừa qua có trên 40 nốt xe/ngày chạy tuyến Thanh Hóa được chuyển về Nước Ngầm, nay điều chuyển thêm 200 nốt/ngày của tuyến này về bến Nước Ngầm không tránh được mật độ xe xuất bến dày đặc, đặc biệt là sự trùng lặp nốt xe khi chạy ra đường, cảng gây khó khăn cho DN hoạt động. Nếu Sở GTVT Hà Nội thực hiện theo phương án mềm trên sẽ hợp lý với tình hình hoạt động, nguyện vọng của từng DN hơn”, đại diện nhà xe Hào Hương, đang có nhiều lượt xe chạy tuyến Hà Nội – Thanh Hóa tại bến Nước Ngầm, Giáp Bát đề xuất.