Sinh viên nếu bị 'siết' giờ làm thêm: Có thời gian nghỉ ngơi, 'chữa lành' nhưng... nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thông tin về việc siết giờ làm thêm của sinh viên (không quá 20 giờ/tuần) tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) vừa được Bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đưa ra lấy ý kiến đang thu hút dư luận xã hội những ngày qua, nhất là với sinh viên - đối tượng tác động trực tiếp.

Tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang lấy ý kiến các bộ ngành, người dân, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất bổ sung Điều 30 quy định việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên. Theo đó, học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.

Siết giờ làm, liệu việc học có phát huy tối ưu?

Lê Ngân Hà - sinh viên năm 2 ngành Kiểm toán, Học viện Tài chính đang làm thêm 2 công việc, vừa viết web (từ 13 - 17h mỗi ngày) và trợ giảng cho trung tâm tiếng Anh (3 buổi/tuần). Hà cho hay: “Hai công việc này giúp em có thêm 5 triệu đồng mỗi tháng. Và em vẫn còn dư thời gian để học thêm chứng chỉ TOEIC”.

Nữ sinh nói vậy để minh chứng việc vẫn có khả năng tự cân bằng và chủ động với việc học, bên cạnh 4 - 6 tiếng làm thêm mỗi ngày. Theo Hà, nếu bị giới hạn giờ làm thêm, em sẽ gặp nhiều bất cập như khó đi xin việc bởi quy định giờ tối thiểu của mỗi ca làm, thu nhập giảm, bị chi phối vào những hoạt động không có mục đích.

“Ở thời điểm năm 2 đại học, em chủ yếu tiếp cận với khối lượng kiến thức đại cương, chưa được học các môn chuyên ngành. Vì vậy, các công việc làm thêm em đang làm chỉ mang tính trải nghiệm và học thêm kỹ năng mềm. Với tâm thế đó, nên em luôn có khả năng để tự cân bằng việc làm thêm và việc học. Nếu siết giờ làm thêm, em không chắc rằng, thời gian trống còn lại mình sẽ dành nốt cho việc học. Nhưng em cũng không để mình bị cuốn vào công việc làm thêm, bởi nếu tăng ca nhiều hơn cũng chỉ đủ tiền đóng học lại hoặc thi lại (cười)”, Ngân Hà nói.

Theo Hà, thay vì siết giờ làm thêm, em mong muốn có sự phối hợp giữa nhà trường và phía đại diện sử dụng lao động tạo điều kiện, cơ hội cho sinh viên được tiếp cận chuyên ngành học theo hướng thực tiễn hơn.

Sinh viên nếu bị 'siết' giờ làm thêm: Có thời gian nghỉ ngơi, 'chữa lành' nhưng... nghèo ảnh 1

Thông tin về việc siết giờ làm thêm của sinh viên (không quá 20 giờ/tuần) đang thu hút dư luận xã hội những ngày qua. - Ảnh minh hoạ: Diệu Nhi

Còn với Hồ Thị Minh Châu - sinh viên ngành Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc giới hạn giờ làm thêm sẽ gián tiếp giúp cho em có thời gian nghỉ ngơi, "chữa lành"... nhưng nghèo. Hiện tại, Châu dạy thêm chỉ 4 tiếng/tuần và chọn phương án tiêu xài eo hẹp bằng tiền học bổng.

Nữ sinh cho hay, em hoàn toàn có khả năng nhận gia sư, tăng số giờ dạy nhiều hơn nhưng muốn có thời gian trống để thay đổi không khí học tập.

“Tập trung thời gian cho học tập, em sẽ có quỹ thời gian phân bổ linh hoạt trong ngày để thay đổi không khí. Ví dụ như vừa học trên lớp, vừa lên thư viện và ra ngoài quán cà phê học nhóm… Nếu đi làm, em sẽ bị sao nhãng trong những thời điểm được giao nhiều bài tập”.

Cần xây dựng và Luật hoá trên một hệ thống khả thi

Theo TS. Trần Thị Thanh Mai - Giảng viên Đại học Luật Hà Nội, việc siết giờ làm thêm của học sinh, sinh viên trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang đi theo xu hướng của một số quốc gia trên thế giới hiện nay. Cụ thể, các quốc gia đang giới hạn giờ làm thêm của sinh viên quốc tế để đảm bảo sinh viên tập trung cho nhiệm vụ học tập, đảm bảo được sự cân bằng lao động nội địa và quốc tế.

Tại Việt Nam, việc đề xuất bổ sung Điều 30 quy định việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên sẽ có những ưu điểm nhất định như: Giúp sinh viên tránh “bẫy” thu nhập thấp; tạo sự cân bằng cho sinh viên và kích thích họ tham gia vào các hoạt động sáng tạo nhiều hơn; làm căn cứ cho các doanh nghiệp, đại diện sử dụng lao động buộc phải tuân theo, không sử dụng lao động quá thời gian lao động..

Bên cạnh đó, quy định như trên cũng tránh tình trạng các bạn đi làm nhiều thời gian nhưng chi trả không xứng đáng hoặc tránh sử dụng lao động vị thành niên ở những nơi không cho phép như kinh doanh, sản xuất chất có cồn (Điều 147 của Bộ Luật Lao động năm 2019).

Tuy nhiên, nếu đề xuất này được thông qua sẽ chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi làm thêm của sinh viên với áp lực sinh hoạt phí cao. “Sinh viên và người sử dụng lao động dễ thỏa thuận miệng ngoài hợp đồng, dễ dẫn đến tình trạng sử dụng lao động không đảm bảo quy định về thời giờ làm việc, mức lương hoặc chi trả, hỗ trợ người lao động trong trường hợp tai nạn lao động xảy ra”, TS. Thanh Mai nói.

Theo TS. Mai, đề xuất này khó có thể triển khai bởi vẫn còn mang tính chung chung, khó thi hành, tạo áp lực với các cơ sở giáo dục. Trong khi các cơ sở giáo dục chưa đủ nguồn lực để quản lý và giám sát hoạt động làm thêm của sinh viên. Vì vậy, việc xây dựng khung pháp lý, sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp để triển khai được những quy định đó sẽ là một thách thức.

Sinh viên nếu bị 'siết' giờ làm thêm: Có thời gian nghỉ ngơi, 'chữa lành' nhưng... nghèo ảnh 2

Đề xuất siết giờ làm thêm của sinh viên liệu có khả thi? - Ảnh minh hoạ: Diệu Nhi

Nhận định từ phía đại diện sử dụng lao động, TS. Bùi Nguyệt Quỳnh - Phó Giám đốc vận hành Công ty TTHH Gami Lab cho rằng, doanh nghiệp, các cửa hàng có khả năng đối mặt với tình trạng nghỉ việc liên tục của sinh viên; mất nhiều thời gian, nguồn lực để đào tạo; phân ca, chuyển lịch phức tạp hơn.

“Và nếu siết giờ làm thêm, có nhiều câu hỏi cần đặt ra như: Ai, đơn vị nào sẽ xác nhận, chứng thực giờ làm theo quy định của sinh viên? Điều này ảnh hưởng gì tới bên đại diện sử dụng lao động nếu không thực hiện đúng? Có thủ tục nào xác nhận đang thuê học sinh, sinh viên không?...”, Phó Giám đốc vận hành Công ty TTHH Gami Lab nói.

Theo TS. Quỳnh, việc sửa đổi này cũng rất dễ tạo nên tác động ngược. “Bởi sinh viên với áp lực sinh hoạt phí cao sẽ tìm cách làm nhiều việc. Và khi làm hết 20 giờ theo quy định, các bạn rất dễ nghĩ đủ cách để “lách luật”, gián tiếp đẩy sinh viên vào việc phải vi phạm Luật. Do đó, tôi cho rằng, trước khi ra Luật cần có cơ sở hạ tầng vững chắc đi trước và xem mục đích nào là quan trọng nhất để Luật hóa trên hệ thống có khả thi”, TS. Quỳnh nhận định.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.