Sinh viên kiếm tiền thời Tết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không cần nhiều vốn, mặt bằng, nhiều bạn trẻ đã “hái ra tiền” khi kinh doanh đồ trang trí thủ công, bán hàng, review hộp quà Tết... thông qua các nền tảng mạng xã hội dịp cuối năm.

Sáng tạo trong từng sản phẩm

Bạn Nguyễn Diệu Linh (SN 2001, sinh viên trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh) có thu nhập mỗi ngày từ 2 đến 4 triệu đồng nhờ bán lẵng hoa trang trí. Lẵng hoa do chính tay Linh làm, chiều theo sở thích của mỗi khách hàng. Sản phẩm đắt hàng hơn khi dịp Tết nhu cầu trang trí nhà cửa tăng cao.

Sinh viên kiếm tiền thời Tết ảnh 1

Bạn Nguyễn Diệu Linh (sinh viên trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh) sáng tạo trên mỗi lẵng hoa. Ảnh: Châu Linh

“Dịp Tết, mình đi tìm các loại hoa giả về và tự sáng tạo ra các lẵng hoa có hình dáng khác nhau để phục vụ nhu cầu trang trí nhà cửa của mọi người. Bản thân mình là người thích nghệ thuật, thích những món đồ tinh tế, dễ thương như đồ handmade”, Linh nói.

Để được nhiều khách hàng biết đến, Linh tận dụng mạng xã hội quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Mỗi một lẵng hoa là một tác phẩm, Linh luôn dành sự tâm huyết nhất, khéo léo, sáng tạo. Sản phẩm của Linh nhanh chóng được mọi người đón nhận.

“Nhờ có công việc thời vụ này, mình vừa có thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ sắm Tết, vừa học được thêm về kĩ năng bán hàng, kinh doanh và kỹ năng giao tiếp với nhiều kiểu người khác nhau”, Linh chia sẻ.

Công việc tiểu họa trên mặt quả bưởi, dưa hấu của Chu Thị Huyền Thương (SN 2003, sinh viên trường Đại học Công nghệ Đông Á) hiện giúp em có một nguồn thu ổn định. “Giá mỗi sản phẩm dưa hấu khắc tay, vẽ chữ lên bưởi thờ Tết dao động 150.000 - 450.000 đồng/quả, tùy vào độ khó của hình khắc. Thời gian để em hoàn thành một sản phẩm kéo dài từ 20 phút - 1 tiếng tùy vào mẫu khắc. Các chữ được nhiều người lựa chọn nhất để tiểu họa lên mặt quả bưởi là Phúc, Lộc, Thọ…”, Thương tiết lộ.

Để có một sản phẩm hoàn thiện, Thương chỉ cần đầu tư một bộ màu và hoa quả. Còn lại, giá thành sản phẩm sẽ được quyết định bởi ý tưởng, sự sáng tạo và độ khéo léo, tinh tế đến từng chi tiết của chính Thương. Cô nàng Gen Z bán hàng chủ yếu qua kênh mạng xã hội.

Cơ hội mở rộng việc làm

Sinh viên kiếm tiền thời Tết ảnh 2

Dừa chơi tết có giá từ 100 đến 200 nghìn đồng/1 quả. Ảnh: Văn Chiến

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, một bộ phận thế hệ Gen Z đã nhanh chóng bắt kịp xu thế để tìm kiếm việc làm và làm giàu. Các nền tảng mạng xã hội trở thành thị trường lao động chính của những bạn trẻ đam mê sáng tạo. Theo đó, giới trẻ có cơ hội mở rộng việc làm đa dạng, trở thành những Freelancer content creator (người sáng tạo nội dung tự do), KOL (người có tầm ảnh hưởng), KOC (người trải nghiệm sản phẩm), TikToker (người sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội TikTok) và nhóm công việc liên quan đến tiếp thị liên kết đa nền tảng, quản trị thương hiệu, truyền thông số…

Tranh thủ tháng cuối năm, chàng trai Dương Hữu Phúc (SN 1995, quê ở Lạng Sơn) nhập các mẫu lì xì độc lạ và hot trong năm nay để livestream (chia sẻ trực tiếp), bán hàng trên mạng xã hội TikTok. Với 100 nghìn người theo dõi, thường mỗi buổi live của Phúc có hơn 2 nghìn lượt xem và hàng trăm đơn hàng được chốt ngay sau đó.

“Em nhận thấy việc bán hàng thời vụ online khá tiện, không tốn tiền thuê mặt bằng. Do mặt hàng lì xì chỉ bán vào dịp Tết nên em vận hành theo quy mô nhỏ lẻ gồm 2 người, một người live và một người đóng hàng. Khi nào số lượng đơn đặt cao em sẽ tạo thêm việc làm cho các bạn sinh viên khác”, Phúc nói.

Thu nhập của Phúc phụ thuộc nhiều vào lượt tương tác trên nền tảng mạng xã hội.

Không chỉ Phúc, nhiều bạn trẻ khác có lượt tương tác ổn định trên TikTok đã tranh thủ nhận review (trải nghiệm, dùng thử) hộp quà Tết, các địa điểm du lịch, ăn uống nổi tiếng. Khi các nhãn hàng bán được nhiều sản phẩm từ hoạt động review, các KOC sẽ nhận được khoản hoa hồng tương ứng. Đây cũng được xem như một hoạt động sáng tạo nội dung số để kéo gần khoảng cách giữa nhãn hàng với người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng Quản trị nhân sự Cty CP Phát triển TMĐT Thế hệ mới MetaTop:

Tự nâng cao chuẩn mực

Có thể hiểu, sáng tạo nội dung là hoạt động hình thành ý tưởng và thể hiện một ý tưởng mới (hoặc ý tưởng cũ nhưng cách truyền đạt mới) thông qua các công cụ, phương tiện truyền thông là nền tảng mạng xã hội để tiếp cận với số đông công chúng. Tuy có cơ hội việc làm rộng mở, mỗi bạn trẻ kiếm tiền nhờ hoạt động sáng tạo nội dung luôn phải đặt tâm thế tự nâng cao chuẩn mực trước xu hướng nghề nghiệp mới để “định giá” được thương hiệu của mình.

Khi tham gia vào quá trình “truyền tải thông điệp” của bất cứ doanh nghiệp, tổ chức, hay cá nhân nào, người làm sáng tạo nội dung phải thể hiện được giá trị của mình thông qua lời nói trọng lượng, phát ngôn chuẩn mực để thuyết phục được khách hàng, đối tác. Từ đó mới có thể thu về lợi nhuận cho nhãn hàng, doanh nghiệp nhờ sự tương tác bền vững với tệp người dùng đang theo dõi. C.Linh (ghi)

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.