Một cuộc Hội thảo mới đây đã chỉ ra, những kỹ năng tưởng như đơn giản nhưng sinh viên của chúng ta rất yếu như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết văn bản, kỹ năng quản lý thời gian,.. Thậm chí nhiều sinh viên ra trường không viết nổi cái đơn xin việc.
Chia sẻ về vấn đề trên, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng, cơ sở đào tạo phải tự chịu trách nhiệm với người học về việc đảm bảo việc đào tạo người học đáp ứng nhu cầu xã hội. Mà cụ thể nhất là Hiệu trưởng nhà trường.
Cũng theo PGS Dũng, trường đại học cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới các hình thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho từng cá nhân học tập theo kế hoạch riêng, đưa người học vào môi trường của doanh nghiệp, tạo môi trường để người học phát triển năng lực bản thân và phát triển cái “khác biệt” của họ.
“Nếu không thì kết quả đào tạo cũng sẽ như cũ, người học sẽ mất nhiều cơ hội”- Ông Dũng khẳng định.
Cũng theo ông Dũng, khi cơ cấu ngành nghề thay đổi thì các ngành nghề mới sẽ ra đời, thay thế một số ngành không còn được xã hội quan tâm. Cần lưu ý với các trường đại học ở thời gian đào tạo.Quý 2 năm 2016 cả nước có 1,088 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý 1 năm 2016. Đáng chú ý, trong số đó có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, cụ thể có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.
Nguồn Bộ LĐ-TB-XH
“Phải kịp thời trả người học về với thị trường lao động càng sớm càng tốt. Như vậy phải rút ngắn thời gian đào tạo, đồng nghĩa với thay đổi hàng loạt các phương pháp giảng dạy, thay đổi tư duy, cách học của người học. Đào tạo ra một kỹ sư toàn diện hơn”- ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng cũng đề xuất giải pháp để tránh tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp. Theo đó, cần tăng cường triển khai tự chủ đại học, để cho các trường tự chủ trong mọi vấn đề. Chúng ta cần gỡ bỏ rào cản học phí “thấp nhất thế giới” càng sớm càng tốt.
“Nếu học phí thấp, các trường sẽ chạy theo số lượng để có thể đủ kinh phí vận hành đơn vị. Để duy trì đáp ứng nhu cầu phổ cập hóa giáo dục đại học, cũng có nhiều giải pháp để thực hiện, không nhất thiết phải tất cả khách hàng đều phải đóng một học phí thấp như nhau”- ông Dũng cho hay.
Hợp tác với doanh nghiệp theo nguyên tắc win-win
Theo PGS Dũng, tỷ lệ có việc làm của sinh viên (SV) ra trường cao là yêu cầu bắt buộc, sống còn của các trường đại học hiện nay nếu cạnh tranh bình đẳng theo quy luật thị trường.
Theo ông Dũng, cần hợp tác toàn diện với doanh nghiệp theo nguyên tắc win-win (đôi bên cùng có lợi). Các khoa trong trường luôn chủ động tổ chức các học phần tại các doanh nghiệp, gửi sinh viên đến doanh nghiệp học tập hoặc mời chuyên gia đến trường để giảng dạy, chuyển giao các công nghệ mới, dạy kỹ năng mềm.
Cũng theo ông Dũng, cần đổi mới mạnh mẽ về kiểm tra, đánh giá cũng như tác động không nhỏ đến tỷ lệ việc làm nhờ thông qua đánh giá, thiết lập được các kỹ năng cần thiết cho SV nhất là kỹ năng học liên tục, học cả đời để thích ứng với cách làm việc của doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá đã tạo ra áp lực và tải trọng quá lớn đối với giảng viên. Ví dụ, với lớp 100 SV, người dạy phải chấm 700 lượt bài tập lớn nhỏ, dự án, thuyết trình, tiểu luận…”- Ông Dũng cho hay.