Sinh viên Hàn Quốc ngại... tốt nghiệp

Nhiều sinh viên Hàn Quốc tránh tốt nghiệp để chờ cơ hội tìm việc làm Ảnh: NEWSis
Nhiều sinh viên Hàn Quốc tránh tốt nghiệp để chờ cơ hội tìm việc làm Ảnh: NEWSis
Cuộc khảo sát của chính phủ Hàn Quốc vào năm 2014 cho thấy, khoảng 33 trường đại học có 15.000 sinh viên hoãn tốt nghiệp, cao gấp đôi so với 3 năm trước

Đã một năm kể từ khi sinh viên ngành truyền thông tại Seoul Lee Woong-hee hoàn tất chương trình học nhưng chàng trai 26 tuổi quyết không dự lễ tốt nghiệp hồi tháng 2-2014. Lee giải thích cơ hội kiếm việc sẽ cao hơn nếu vẫn còn là sinh viên.

Kiếm việc ngày càng khó

Lee không phải là người duy nhất có suy nghĩ như thế. Tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Hàn Quốc lên đến 14% trong lúc kinh tế còn ì ạch khiến hàng ngàn sinh viên dự kiến tốt nghiệp vào đầu năm 2015 sẽ tiếp tục bám trụ lại trường. “Mỗi năm càng khó kiếm việc hơn. Năm ngoái đã khổ sở lắm rồi nhưng tôi e rằng mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn trong năm nay” - Lee lo lắng.

Hai phần ba dân số trong độ tuổi từ 25-34 ở Hàn Quốc có bằng tốt nghiệp đại học, chiếm tỉ lệ cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Thế nhưng, tỉ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc năm 2014 cũng lập kỷ lục trong 14 năm qua.

Doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng do kinh tế trầy trật là một thực tế làm chùn chân nhiều sinh viên. Họ có thể càng bi quan hơn khi biết tỉ lệ thất nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp hồi tháng 3-2014 tương đương mức cao kỷ lục năm 2013 là 32,2%, theo thống kê của Viện Lao động Hàn Quốc.

Lee Cheol-heng, người đứng đầu nhóm chính sách việc làm và lao động tại Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, nhận định: “Kinh tế không sáng sủa nên các doanh nghiệp hạn chế mở rộng đầu tư, dẫn đến ít có khả năng thuê lao động mới”.

Nỗi lo dân số lão hóa

Thông cảm với tình cảnh sinh viên ngại tốt nghiệp, nhiều trường đại học Hàn Quốc cho phép họ sử dụng cơ sở vật chất nhà trường ngay cả khi không tham gia bất kỳ lớp học nào. Có trường hợp sinh viên cố tình nợ một hoặc hai tín chỉ cho đến khi tìm được việc làm.

Lee tâm sự: “Tôi nghe những người khác kể rằng nhà tuyển dụng không thích người mới tốt nghiệp đại học. Họ thường hỏi ứng viên đã làm được những gì sau khi ra trường”.

Thị trường lao động Hàn Quốc đang có 2 loại công việc, một ổn định và ít có khả năng bị sa thải trong khi loại còn lại chỉ mang tính tạm thời trong 2 năm. Theo nhà nghiên cứu Kim Jong-jin tại Viện Lao động và Xã hội Hàn Quốc, vấn đề là giới trẻ có học vấn cao không mặn mà với những công việc tạm thời.

Ông Kim nói: “Những người ở độ tuổi 20 lẽ ra phải năng động trong thị trường việc làm. Nhưng thay vì đi làm ngay, họ muốn học lên cao hơn để có cơ hội kiếm được công việc ổn định hơn”.

Việc sinh viên lần lữa không tốt nghiệp để chờ công việc tốt hơn dẫn đến tình trạng “lão hóa” lực lượng lao động tại Hàn Quốc. Năm 2014, lần đầu tiên số người lao động trong độ tuổi 50 vượt số lượng người làm việc trong độ tuổi 20. Tham gia thị trường lao động trễ kéo theo hàng loạt vấn đề xã hội như: lập gia đình muộn hơn, tỉ lệ sinh sụt giảm… và hậu quả là đe dọa già hóa dân số.

Ông Kim Gwang-suk, Trung tâm Nghiên cứu Hyundai, nhìn nhận đây là một vấn đề nghiêm trọng. “Thực trạng giới trẻ rút ngắn thời gian làm việc sẽ làm giảm tổng sản lượng kinh tế của Hàn Quốc cho dù đầu tư vào giáo dục không ngừng gia tăng” - ông nói với hãng tin Reuters.

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
TPO - Dù cố gắng dồn sức tháo gỡ ngay đầu năm, tháo gỡ cơ chế chính sách, làm cật lực nhưng quy mô nền kinh tế vẫn không tăng hơn nhiều so với các năm trước. Điều đó, cho thấy sự lớn mạnh của thành phố vẫn còn chậm, các bước nhịp chưa được nhanh, chưa có hoạt động đột phá để nâng cao giá trị…