Anh Trần Quang Hưng - Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho biết, cuộc thi được tổ chức với mong muốn ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Qua đó, tạo bước ngoặt mới để bảo vệ an toàn, giảm thiểu rủi ro đến tài sản và tính mạng, mang lại hiệu quả trong việc phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ, xác định nguyên nhân cháy.
Cuộc thi cũng tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên phát huy khả năng sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ trong công tác, học tập và lao động sản xuất; góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các đội thi thuyết trình sản phẩm tại vòng chung kết. |
Vòng sơ loại cuộc thi diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/12, với sự tham gia của 100 thí sinh gồm 20 đội có đam mê và khả năng trong lĩnh vực lập trình.
Các đội thi đã được chuyên gia hướng dẫn sử dụng các công cụ như AI-wonder, Python, Streamlit…, nhằm xây dựng mô hình trí tuệ nhân tạo, dự đoán khả năng xảy ra cháy dựa trên các đặc điểm của công trình nhà ở. Từ đó, các đội tổng hợp thành các báo cáo nhằm đề xuất giải pháp, ứng dụng giúp nâng cao khả năng phòng, chống cháy, nổ trong tương lai.
Anh Trần Quang Hưng - Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội trao giải Nhất cho Team 4-to-Five đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội |
Ban giám khảo đã lựa chọn 5 đội thi vào vòng chung kết. Tại vòng chung kết, 5 đội thi đã thuyết trình sản phẩm và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo để đánh giá khả năng ứng dụng sản phẩm dự báo phòng, chống cháy nổ trong thực tế.
Kết quả, Team 4-to-Five đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội đoạt giải Nhất; Đội Flame Buster gồm những sinh viên đến từ trường ĐH Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương và Đại học Bách khoa Hà Nội giành giải Nhì. Bên cạnh đó, Ban tổ chức trao giải Ba cho đội Fire Star (ĐH Bách khoa Hà Nội). Hai đội TLU Fire Safety (Trường ĐH Thuỷ lợi) và Team 10 (Đại học Bách khoa Hà Nội (trường Đại học Thuỷ Lợi) đoạt giải Khuyến khích.