“Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn
Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy
Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy
Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi
Ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời...
Ôi ước gì được thấy mưa rơi
Mặt chúng tôi ngửa lên như đất
Những màu mây sẽ thôi không héo quắt
Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên
Đảo xa khơi sẽ hóa đất liền…”
Năm 1981, khi nhà thơ Trần Đăng Khoa viết bài thơ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, trên đảo chỉ có ít cây phong ba, cây bão táp, cây bàng vuông còi cọc, xơ xác trên nền cát san hô cằn cỗi. Nhưng khi tôi và nhiều đồng nghiệp lần đầu tiên được đặt chân lên đảo Sinh Tồn ngày 30/12/2011, đảo đón chúng tôi với màu xanh của cây cối phủ kín khắp đảo. Ngồi bên chiếc bàn đá trước khu dân cư khang trang, vừa bế bé Bùi Hoàng Nhã Kỳ 26 tháng tuổi - công dân nhỏ tuổi nhất ở đảo Sinh Tồn khi đó – vừa nghe đọc bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”, nghe kể về không khí ở đảo Sinh Tồn ngày 14/3/1988 khi đón các liệt sĩ, thương binh, đón những người lính về từ đảo Gạc Ma và đảo Len Đao, ngắm nhìn những đầu đao cong vút của mái chùa vừa được phục dựng, tôi đã ngộ thêm về tên gọi của đảo, về lẽ sinh tồn.
“Ngày nào tôi cũng thỉnh chuông hai lần, buổi sáng vào lúc 4 giờ 45 hoặc 5 giờ, buổi tối vào lúc 8 giờ 30. Có chùa là phải có tiếng chuông”.
Đại đức Thích Minh Huy
Tháng 4/2014, lần thứ ba ra đảo Sinh Tồn, tôi được chị Phan Thị Thương khoe tấm giấy khai sinh của con gái chị, bé Nguyễn Phan Ngọc Hân sinh ngày 2/4/2014, là người đầu tiên được khai sinh tại đảo Sinh Tồn. Trước đó, khi bé Bùi Hoàng Nhã Kỳ và một bé khác sắp sinh, mẹ các bé về đất liền để sinh con, do lo rằng điều kiện trên đảo chưa bảo đảm mẹ tròn con vuông. Nhưng khi chị Thương mang bầu bé Ngọc Hân, vợ chồng chị và bà con chòm xóm đều đã tin tưởng vào khả năng của trạm y tế trên đảo... Lần đó, tôi cũng được dự lễ khai trương điểm Bưu điện văn hóa xã Sinh Tồn, lên tầng 2 trường tiểu học xã Sinh Tồn vừa được hoàn thành xây dựng để chụp ảnh những anh công binh đang dầm mình trong nước biển, vác từng viên đá, từng bao cát, từng bao xi măng xây dựng âu tàu đảo Sinh Tồn...
Sinh Tồn, xuân 2017
“Boong, boong, boong...”, đang ngon giấc sau những ngày chập chờn giấc ngủ trên con tàu liên tục lắc lư bởi sóng nhồi, tôi nghe tiếng chuông ngân. Thấy đồng hồ báo mới 4h45, tôi định ngủ tiếp nhưng chợt tỉnh hẳn khi nhớ ra mình đang ở trên đảo Sinh Tồn. Từ cửa sổ nhìn qua sân Nhà văn hóa và sân trường tiểu học Sinh Tồn, trong ánh sáng của một ngày vừa rạng, tôi thấy Đại đức Thích Minh Huy đang gióng chuông chùa.
Ngắm cảnh nhà sư khoan thai gióng chuông bên ngôi chùa gỗ một gian hai chái khiêm nhường ẩn dưới tán những cây xanh mát. Nghe tiếng chuông thánh thót ngân vang, ngỡ như đang ở giữa một ngôi làng đồng bằng Bắc bộ.
Được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa bổ nhiệm làm trụ trì chùa đảo Sinh Tồn từ cuối năm 2012, đến nay Đại đức Thích Minh Huy đã làm Phật sự ở chùa Sinh Tồn sang năm thứ 5. “Ngày nào tôi cũng thỉnh chuông hai lần, buổi sáng vào lúc 4 giờ 45 hoặc 5 giờ, buổi tối vào lúc 8 giờ 30. Có chùa là phải có tiếng chuông”, Đại đức vừa tiếp chuyện tôi, vừa quét lá sân chùa...
Trong khi những người phụ nữ sang chùa thắp hương, anh Võ Kim Toàn, hộ số 1 đảo Sinh Tồn và hai người đàn ông nữa đi thu lưới. Dàn lưới họ đã thả trong âu tàu từ chiều tối hôm trước, được chừng hai chục ký cá, cua, có cả một con tôm hùm.
“Trước đây chưa có âu tàu, mùa này chúng tôi ít khi đi bắt cá được vì sóng lớn, nhưng bây giờ trong âu tàu êm sóng, cá vào cũng nhiều nên đánh cá được thường xuyên hơn”. Anh Toàn cho biết.
Bờ kè âu tàu đảo Sinh Tồn là nơi khá thích hợp để chạy hoặc đi bộ buổi sáng, vì chu vi đến hơn 1.000m. Thiếu tá Nguyễn Đức Thiện, Chỉ huy trưởng Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn, thuộc Hải đoàn 129 - Cty TNHH Một thành viên Hải sản Trường Sa cho biết, từ ngày 26/11/2016 đơn vị được giao quản lý âu tàu và khu dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn với tổng diện tích hơn 9ha, bằng 1,5 lần diện tích ban đầu của đảo Sinh Tồn.
Âu tàu đảo Sinh Tồn có diện tích 3,6ha, độ sâu trung bình 4,5m, có thể đón từ 70 đến 100 tàu cá các loại vào tránh bão, luồng vào âu rộng 55m, có hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu dẫn luồng đảm bảo cho các tàu cá vào âu an toàn cả ban ngày lẫn ban đêm. Đơn vị có chức năng cung cấp dịch vụ hậu cần – kỹ thuật cho các loại tàu Việt Nam hoạt động trong khu vực Trường Sa, nhất là các tàu của ngư dân với giá bằng giá ở đất liền.
Mới đây Trung tâm đã sửa chữa tàu cá mang số hiệu BĐ 95662 TS do ông Lê Công Chương (trú ở thôn Thiện Chánh, Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng. Ngày 20/12/2016, tàu BĐ 95662 TS đang đánh bắt cá ngừ đại dương ở vùng biển Trường Sa thì bị hỏng trục các-đăng, trôi dạt trên biển.
Đến 17 giờ ngày 22/12/2016, tàu này được 3 tàu cá tỉnh Bình Định cứu hộ, sau đó lai dắt về đến đảo Sinh Tồn chiều ngày 23/12/2016. Đến rạng sáng ngày 24/12/2016, tàu BĐ 95662 TS đã được Đội sửa chữa của Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn sửa chữa xong, tiếp tục ra khơi.
Nhiều tàu cá khác đã được Trung tâm cung cấp miễn phí nước ngọt. “Thấy ngư dân phấn khởi vì khi gặp bão, tàu bị hư hỏng không còn phải chạy đi xa để tránh trú hoặc chờ tàu cứu hộ lai dắt về đất liền, đỡ nguy hiểm và tốn kém, chúng tôi cũng vui lây”. Trung tá Lương Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn nói.
Một ngày ở đảo Sinh Tồn bắt đầu lúc 04h45, khi đại đức Thích Minh Huy gióng chuông chùa Sinh Tồn
Trước Sở chỉ huy đảo, trước trụ sở UBND xã Sinh Tồn hay mỗi khu nhà đều có các tiểu cảnh với những giàn hoa giấy, chậu cây sanh, cây kim giao... Sân Cụm chiến đấu 2 rực rỡ với hàng chục giò phong lan khoe sắc. Trong vườn của các đơn vị bộ đội và các hộ dân là những giàn bầu, bí, mướp, khổ qua lúc lỉu quả.
Những luống rau cải, mồng tơi, rau lang xanh mướt. Đám trẻ nhỏ hết chơi cầu bập bênh, đu quay, cầu trượt ở sân trường lại rủ nhau bứt lá phong ba chơi đếm tiền, chơi nấu cơm, chơi đuổi bắt... Cô bé Ngọc Hân nay đã gần 3 tuổi cũng lon ton chạy chơi, múa hát cùng chị gái và các anh.
Các em nhỏ đảo Sinh Tồn coi những bao cát trên nóc công sự như cầu trượt
Trước kia, từ đảo Sinh Tồn chỉ có thể thấy căn cứ Trung Quốc xây dựng ở hai đảo này nếu lên đài quan sát, sử dụng ống nhòm hoặc kính chỉ huy TZK. Nhưng từ năm 2014, Trung Quốc đã bồi đắp trái phép đá Tư Nghĩa và đá Gạc Ma thành các đảo nhân tạo, xây dựng ở đó những công trình quân sự lớn, có thể thấy được bằng mắt thường từ trường tiểu học Sinh Tồn.
Nó nhắc chúng tôi để ý, nơi các em nhỏ đảo Sinh Tồn hồn nhiên chơi cầu trượt là những bao cát trên nóc công sự. Nó nhắc chúng tôi khi tạm biệt đảo không quên thắp hương trước Bia Phương danh anh linh 64 liệt sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma, đảo Len Đao ngày 14/3/1988, ở bên sân chùa Sinh Tồn.
Những người lính đảo Sinh Tồn tiễn chúng tôi bằng bài hát phổ thơ Trần Đăng Khoa, “đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão, như đã vững bền, như đã tốt tươi”. Giữa vùng biển nóng, giữa bão giông, sóng dữ, đảo Sinh Tồn vẫn ngày một thêm xanh, thêm đẹp, vẫn rộn rã tiếng đùa vui của trẻ nhỏ và thánh thót tiếng ngân của chuông chùa.