Theo báo của doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ tăng gấp 3 - 5 lần ngày bình thường.
Cụ thể, lượng hàng tại Vinmart tăng gấp 4 lần, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bố hàng hóa chuyển từ các tỉnh về Hà Nội...; hệ thống siêu thị Co.opmart tăng lượng dự trữ tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh. Các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục nhu cầu nhân dân khi phòng chống dịch.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội khẳng định, ngành công thương thành phố đã có kịch bản cung ứng hàng và trong bất kỳ tình huống dịch bệnh nào, các hệ thống phân phối của Hà Nội cũng đảm bảo đầy đủ hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân, kể cả khi lượng mua sắm của người dân tăng gấp 1,5-2 lần.
Theo bà Lan, Sở Công Thương đã xây dựng các kịch bản dự trữ hàng hoá theo 4 cấp độ dịch bệnh, đảm bảo đủ hàng cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân ngay cả khi Hà Nội có 1.000 ca nhiễm bệnh. 4 cấp độ dịch bệnh bao gồm: có trường hợp bệnh xâm nhập; có lây nhiễm thứ phát; lây lan trên 20 trường hợp; lây lan rộng trong cộng đồng với trên 1.000 trường hợp mắc.
“Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng việc chuẩn bị hàng hóa cho kịch bản ở cấp độ 3 và 4, để trong bất kỳ tình huống nào cũng không để xảy ra gián đoạn cung ứng hàng hóa. Chúng tôi cũng lên phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho toàn Thành phố”, bà Lan nói.
Hệ thống Big C đã mở cửa sớm và đóng cửa muộn hơn, với nguồn hàng thực phẩm tươi sống tăng gấp 300%. Ngoài ra, thơì gian nay, Big C đánh dấu vị trí để khách đến mua hàng giữ khoảng cách an toàn trong mùa dịch COVID-19.
Gạo, mỳ tôm được bày liên tục trên kệ hàng siêu thị Co.opmart Hà Nội. Nhân viên bán siêu thị ngoài khẩu trang còn được trang bị kính chống giọt bắn để phục vụ khách hàng.