Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19 của TPHCM sáng 20/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM thông báo, tiếp tục tăng cường nâng cao các biện pháp với phương châm: mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch. Trong ảnh: Người dân xếp hàng chờ vào siêu thị Emart, quận Gò Vấp |
Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, thành phố đưa ra 5 giải pháp, yêu cầu thực hiện ở mức cao nhất. Đồng thời nhấn mạnh, theo Nghị quyết của Chính phủ, đã yêu cầu TPHCM đến 15/9 phải kiểm soát được dịch bệnh, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường. Trong ảnh: Bên trong siêu thị, có người mua một lúc đầy hai xe hàng. |
Do vậy, theo ông Khuê, 5 giải pháp với các biện pháp tập trung nâng cao như trên sẽ bắt đầu thực hiện quyết liệt từ 23/8. Để chuẩn bị cho tình hình mới trong những ngày "ở nhà chống dịch" sắp đến, người dân tranh thủ nhiều mặt hàng cần thiết để sử dụng. |
Tại một siêu thị trên đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình người mua hàng đứng chen chúc, không đảm bảo quy định "5K". |
Bộ phận giao hàng của siêu thị Saigon Co.op trên đường Trường Sa, quận 3 đã ngưng nhận khách vào mua hàng từ 2h chiều nay. |
Siêu thị Bách Hóa Xanh sắp ghế cho khách ngồi chờ đến lượt vào mua sắm |
Hàng hóa liên tục được chất lên quầy kệ |
Siêu thi Aeon có lượng khách đến khá đông nên siêu thị phải hạn chế khách vào theo từng đợt |
Khách đi siêu thị Vinmart xếp các giỏ hàng dài chờ thanh toán |
Các mặt hàng trái cây, rau củ quả khá phong phú, giá ổn định |
Dự kiến, trong 2 ngày cuối tuần, lượng khách đến mua sắm thực phẩm sẽ còn tăng |
Một số quầy kệ đã không còn hàng. |
Người dân đứng giãn cách chờ vào mua hàng tại một cửa hàng chuyên về đồ bà mẹ, trẻ em trên đường Phạm Văn Đồng, TP. Thủ Đức. |
Bà con cũng đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và quày hàng thực phẩm tự phát ở nhiều địa bàn... để mua sắm, tích trữ hàng hóa thiết yếu. |
Nhiều người tập trung mua sắm nông sản tại một nhà hàng ở trên đường Hoàng Sa, quận 1. Sau khi ngừng kinh doanh quán ăn để phòng chống dịch, lâu nay nơi này chuyển sang buôn bán rau củ quả... phục vụ bà con nhân dân. Tại nơi công cộng đông người lúc này, bà con chủ động giãn cách và sát khuẩn cẩn thận. |
Cùng với các mặt hàng thịt, rau củ quả, người dân cũng tranh thủ mua cà phê, trà. Vừa đón nhận túi hàng cà phê, một người phụ nữ cho biết giá bán hiện cũng bình ổn như ngày thường. |
Cũng tương tự như siêu thị, các nhà thuốc cũng phải xếp hàng chờ tới lượt. |
Chuẩn bị cho nhiều ngày giãn cách xã hội tiếp theo, bà con cũng lo rút tiền mặt phòng thân. Trong ảnh: bà con tập trung chờ rút tiền tại một trung tâm thương mại trên đường Phạm Văn Đồng. |
Đường xá TPHCM cũng đông người giữa lúc giãn cách xã hội |
Theo các siêu thị, dự kiến trước thông tin thành phố tăng cường các biện pháp giãn cách, lượng khách hàng và nhu cầu mua sắm sẽ tiếp tục tăng cao trong 2 ngày cuối tuần. Đại diện một số siêu thị cho biết đã có phương án dự trữ hàng hóa, đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm cho người dân. Các hệ thống siêu thị Aeon, Mega Market, Satra, Co.opmart… tiếp tục tăng lượng hàng thiết yếu và thực phẩm dự trữ từ 1-3 tháng.
Trong cuộc họp sáng 20/8, ông Phạm Đức Hải - Phó ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 nhấn mạnh, TPHCM đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn.
Thành phố đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện 5K + thuốc uống, không tập trung mua gom hàng hóa, thực phẩm. Thành phố đã chuẩn bị các phương án cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống dịch nêu trên.
Lãnh đạo Thành phố đang tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt để kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19. Hiện, Sở Công Thương TPHCM cũng cho biết đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.