Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Co.opmart Hà Đông cho biết: “Sáng nay (31/3), siêu thị thưa thớt khách nhưng đến đầu giờ chiều có thông tin cách ly toàn xã hội từ 1/4 nên khách đến siêu thị nhiều hơn. Do chuẩn bị trước nguồn hàng nên siêu thị luôn cung cấp đủ cho khách hàng. Chúng tôi dự trứ tăng gấp 3 lần so với trước”.
Ngoài ra, bà Dung cho biết thêm, do thông tin từ ngày mai tỉnh nào ở tỉnh đó nên siêu thị đang cho xe chở 4.000 tấn lương thực, thực phẩm từ kho hàng ở Bắc Ninh lên kịp trước 0 giờ đêm nay lên Hà Nội.
“Hiện trong kho hàng ở Hà Nội cũng đã dự trữ sẵn 4.000 tấn hàng hóa trước đó. Tổng số lương thực, thực phẩm đủ cho người tiêu dùng mua sắm trong những ngày cách ly. Siêu thị đang lo mặt hàng tươi sống như thịt, cá do nhà cung cấp hằng ngày. Các nhà cung cấp cũng lấy từ các tỉnh khác nên nếu không có đặc cách sẽ khó vào Hà Nội. Tuy nhiên, siêu thị vẫn dự trữ thịt, cá đông lạnh đủ và không lo thiếu hàng", bà Dung nói.
Đại diện siêu thị Big C cho biết, siêu thị dự trữ đủ nguồn hàng phục vụ người dân và đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, ship tận nơi cho mọi nhà. Đại diện siêu thị khẳng định không tăng giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm trong lúc diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp.
Đai diện siêu thị Mega Market Việt Nam cho biết, lượng hàng thiết yếu bán ra tại các siêu thị tại Hà Nội tăng 20-40% so với kế hoạch. Vì thế, doanh nghiệp cũng tăng nguồn cung hàng tương ứng 40%. Nhân viên siêu thị được yêu cầu trực tại quầy toàn thời gian để kịp thời bổ sung hàng lên kệ mỗi khi trống.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch, tập trung vào cấp độ 3-4 khi thành phố có 1.000 ca nhiễm bệnh. Bốn cấp độ dịch bệnh hiện nay gồm: Có trường hợp bệnh xâm nhập; có lây nhiễm thứ phát; lây lan trên 20 trường hợp; lây lan rộng trong cộng đồng với trên 1.000 trường hợp mắc.
Sở cũng làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu để tính khả năng cung ứng hàng của từng đơn vị nhằm bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường.
Đến nay, các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị đã tăng lượng hàng hoá dự trữ lên gấp 300-500% so với bình thường, tập trung với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Các mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang và nước rửa tay cũng được các doanh nghiệp dự trữ với lượng lớn.
Sở cũng làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu để tính khả năng cung ứng hàng của từng đơn vị nhằm bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường.
"Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày, hiện lên đến 174.000 tỷ đồng và đang tiếp tục tăng", đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết.
Với từng hệ thống phân phối, các siêu thị đều tăng nguồn hàng dự trữ trong kho gấp rưỡi, gấp đôi so với trước.