Siêu tên lửa bắn chính xác nhất thế giới, nhưng bán không ai mua
Một loại tên lửa đã được kiểm chứng hiệu quả qua thực tế chiến đấu, áp dụng các công nghệ tiên tiến, độ sai số mục tiêu chỉ 1m mà không bán được cho ai.
Cận cảnh tên lửa AASM lắp dưới cánh máy bay Rafale. |
Tính năng rất hoàn hảo
Vừa qua, tổng cục vũ khí trang bị của Pháp đã tiến hành đợt khảo nghiệm cuối cùng đối với loại tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser AASM Hammer do công ty SAMP (Société des Ateliers Mécaniques de Pont sur Sambre) nghiên cứu, chế tạo và sản xuất. Đây là loại tên lửa sử dụng phương thức dẫn đường GPS/INS ở giai đoạn giữa kết hợp với đầu dẫn tên lửa laser bán chủ động ở đoạn cuối đường bay.
Đợt thử nghiệm thành công cuối cùng của loại tên lửa được NATO định danh là SBU-54 này sẽ kết thúc giai đoạn kiểm định chất lượng và chuyển sang giai đoạn trang bị hàng loạt, bước sang năm 2013, công ty SAMP sẽ bàn giao lô tên lửa thứ nhất cho hải quân và không quân Pháp.
Máy bay chiến đấu Rafale đang phóng tên lửa. |
Đợt thử nghiệm này được Tổng cục vũ khí, trang bị Pháp tiến hành tại bãi phóng tên lửa Biscarrosse, tên lửa được lắp đặt và phóng đi trên một máy bay chiến đấu Rafale của căn cứ không quân Cazeau, mục tiêu cần tiêu diệt là một xe chiến đấu địa hình điều khiển xa với độ sai lệch mục tiêu 1m.
Khi còn mấy giây cuối trên đường bay của AASM, chiếc Rafale mới bắt đầu chiếu xạ laser, cùng lúc đó chiếc xe địa hình cũng được điều khiển biến tốc nhưng nó không thoát được sự truy kích của quả tên lửa. Giai đoạn đầu, tên lửa bay theo quỹ đạo song song với mục tiêu, đến giai đoạn cuối nó mới bổ nhào xuống và phóng tới mục tiêu theo 1 góc tà nhất định, khi đó chiếc xe địa hình đang chạy với vận tốc 50km/h, cách máy bay khoảng 15km.
Máy bay chiến đấu Rafale rất "vô duyên" với thị trường xuất khẩu.... |
Ngoài phiên bản kết hợp GPS/INS và laser này, AASM còn có 2 phiên bản khác là loại chỉ sử dụng GPS/INS và kết hợp GPS/INS + hồng ngoại. Các phiên bản của AASM đều có 2 loại tên lửa với kích cỡ khác nhau, bao gồm loại 125 kg và loại 250 kg với tầm bắn 50 km, rất phù hợp để tấn công các trận địa phòng không và cả các phương tiện chiến đấu cơ động như: tăng - thiết giáp, xe chiến đấu…
Tên lửa AASM Hammer đã được không quân Pháp mang ra dùng thử trong các cuộc không kích ở Lybia và đạt kết quả rất mỹ mãn. Ngày 24/03/2011, một chiếc máy bay Rafale của Pháp sử dụng 1 quả tên lửa AASM chỉ được dẫn đường bằng GPS đã phá hủy một chiếc máy bay huấn luyện “Soko G-2 Galeb” của không quân Lybia. Trong cuộc không kích Lybia, các máy bay Rafale của Pháp đã sử dụng tổng cộng 225 quả tên lửa này, phá hủy rất nhiều phương tiện chiến đấu và các trận địa phòng không Lybia.
Tên lửa siêu chính xác nhưng bán không ai mua
Thế nhưng, sau khi đã cải tiến và được nâng cấp hoàn thiện thì AASM vẫn không nhận được một hợp đồng xuất khẩu nào, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ cả 2 bên A và bên B là Bộ Quốc phòng Pháp và nhà sản xuất. SAMP là nhà thầu uy tín với hơn 50 năm kinh nghiệm và là nhà cung cấp độc quyền cho Không quân Pháp cùng một số khách hàng khác. Dù bán được nhiều vũ khí cho Bộ Quốc phòng Pháp trong chiến dịch không kích Libya, tuy nhiên, SAMP đang đứng trước viễn cảnh ảm đạm do không thể xuất khẩu.
... làm cho tên lửa không đối đất AASM cũng chưa bán được cho ai. |
Với bất cứ một loại vũ khí thông thường nào, việc cung cấp cho quân đội nước mình thường không mang lại lợi nhuận do mỗi công đoạn nghiên cứu, phát triển và chế tạo hàng loạt đã có một hợp đồng riêng rẽ, hơn nữa, giai đoạn thử nghiệm kéo dài vài ba năm thường rất tốn kém do nhà sản xuất phải điều chỉnh các tham số kỹ thuật theo ý khách hàng, thế nên lợi nhuận chủ yếu chỉ đến sau giai đoạn hoàn thiện sản phẩm và mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, hiện giờ SAMP đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất của Mỹ, nhất là khi Pháp phải nâng cao tiêu chuẩn hệ thống vũ khí theo chuẩn NATO. Hơn nữa, do những sai lầm trong định hướng sử dụng từ khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu, tên lửa AASM chỉ có thể sử dụng trên các máy bay của Pháp, khả năng cạnh tranh là rất thấp. Do có nhiều ưu điểm nổi trội, cũng có nhiều nước muốn mua AASM nhưng họ đều phải rút lui vì chẳng lẽ lại phải “mua kèm” theo Rafale?
Trong khi đó các loại vũ khí có điều khiển của Mỹ có thể sử dụng trên bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào của NATO mà không phải sửa đổi thì chỉ khi nào tiêm kích Rafale được đặt mua thì AASM mới bán được ra nước ngoài. Tuy nhiên, trong khi Mirage-2000 đã được khá nhiều nước sử dụng thì hiện giờ Rafale vẫn tỏ ra “vô duyên” đối với thị trường xuất khẩu. Một phần nguyên nhân là giá cả của nó rất đắt, chỉ là chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 nhưng giá của nó đã lên tới gần 90 triệu USD, cao hơn Su-35 là thế hệ 4++ của Nga tới gần 30 triệu USD/chiếc, mà ai dám khẳng định là Rafale vượt trội, thậm chí là ngang ngửa với Su-35?
Vì vậy, Rafale liên tiếp thất bại trong 3 cuộc tranh thầu máy bay là cuộc đấu thầu F-X2 năm 2007 ở Brazil, cuộc đấu thầu tại Ma Rốc năm 2008 và cuộc đấu thầu mua 22 chiếc tiêm kích của Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ tháng 11.2011... Từ khi ra đời, Rafale chỉ bán được 1 lô 126 chiếc cho không quân Ấn Độ, nhưng trong hợp đồng này cũng chỉ hãng sản xuất máy bay Dassault Aviation là được lợi còn SAMP cũng chẳng bán được bao nhiêu tên lửa.
Hiện tại, AASM chỉ được sử dụng trong Không quân Pháp và đi kèm theo lô máy bay Rafale của Ấn Độ mà chưa hề được được nước nào đặt mua riêng tên lửa, điều này khiến nhà hoạt động sản xuất sụt giảm nghiêm trọng. Mặc dù nó sẽ được trang bị hàng loạt cho không quân và hải quân trong năm 2013 nhưng theo đà cắt giảm quốc phòng quy mô lớn của Pháp, số lượng đặt mua hạn chế dẫn đến nhà sản xuất sẽ không có lãi. Giả sử Pháp có ký được thêm 1 vài hợp đồng bán Rafale thì số lượng đặt mua AASM cũng chẳng đáng là bao so với con số hàng triệu quả tên lửa không đối đất Mỹ đã bán theo các hợp đồng xuất khẩu tên lửa riêng rẽ.
Để xuất khẩu được, Société des Ateliers Mécaniques de Pont sur Sambre sẽ phải điều chỉnh lại các tham số của AASM để tương thích với tất cả các loại chiến đấu cơ của NATO và Mỹ mà kinh phí cho công đoạn này cũng không hề nhỏ, lại mất rất nhiều thời gian thử nghiệm. Đây quả thực là bài học đắt giá cho cả Bộ Quốc phòng Pháp và nhà sản xuất trong định hướng phát triển trang bị.
Theo Nguyễn Ngọc
Dân Trí