Người dân Quảng Nam chằng chống nhà cửa, hàng quán trước bão Noru. |
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam, đến 5h sáng nay 26/9 vẫn còn 87 tàu cá hoạt động xa bờ, trong đó 18 tàu/213 lao động nằm trong khu vực nguy hiểm, đang di chuyển ra khỏi vùng này.
Tối 25/9, UBND tỉnh Quảng Nam phát đi công điện tập trung ứng phó khẩn cấp với bão Noru.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão lũ.
Rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 9h ngày 27/9, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung;
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch...
Cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp thông tin, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển nằm trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của bão di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 0h ngày 26/9 (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ), cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 12h ngày 27/9.
Tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các trường chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của bão và mưa lũ.
Bình Thuận ra công điện hỏa tốc ứng phó bão Noru
Ngày 26/9, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công điện hỏa tốc yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành triển khai các biện pháp ứng phó bão số 4 (Noru) đang hướng về biển Đông.
Theo đó, Bình Thuận yêu cầu các địa phương, sở, ban ngành, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ, ngập lụt. Phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở từ 9 giờ ngày 26/9.
Vào lúc 7 giờ sáng nay, vị trí tâm bão số 4 ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 118,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông. |
Về bảo đảm an toàn tàu thuyền, lồng bè, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến, hướng di chuyển của bão; tình hình gió mạnh, sóng lớn, triều cường, sạt lở bờ biển. Phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, khu vực ảnh hưởng của bão để phòng tránh hoặc di chuyển về nơi tránh trú an toàn.
Bộ Chỉ huy đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và các địa phương ven biển như Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi, TP.Phan Thiết theo dõi, kiểm đếm và quản lý chặt chẽ việc ra khơi hoạt động của các tàu, thuyền, phương tiện vận tải. Đồng thời, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển.
Tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Noru; sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, nhất là vùng cửa sông, ven biển, vùng nguy cơ ngập cao, vùng bị sạt lở để chủ động sơ tán người dân ra khỏi nơi nguy hiểm.
Bảo vệ sản xuất, bảo vệ người dân, công trình trọng điểm, xung yếu, công trình đang thi công, sửa chữa. Song song, bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị để sẵn sàng ứng phó, xử lý tình huống. Riêng Sở Giáo dục Đào tạo triển khai các biện pháp an toàn cho giáo viên và học sinh, cơ sở giáo dục trước, trong và sau bão…
Hơn 15.000 lao động trên biển
Hiện nay, các hồ chứa nước ở Bình Thuận đều đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường, có hồ cao hơn và đang xả qua tràn (Trà Tân, Sông Móng) Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Bình Thuận đã phân công trực 24/24h tại tất cả các hồ chứa, đầu mối công trình thủy lợi; phân công lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu để theo dõi tình hình thời tiết, mưa lũ về hồ nhằm chủ động điều tiết để đảm bảo an toàn hồ chứa.
Số tàu thuyền Bình Thuận đang hoạt động trên biển là 2.591 chiếc/15.529 lao động. Trong đó, tàu thuyền đánh bắt xa bờ 442 chiếc/3.903 lao động tại quần đảo Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc; tàu đánh bắt ven bờ 2.509 chiếc/11.626 lao động hoạt động ven biển Bình Thuận, đi về trong ngày; đang neo đậu tại các bến là 4.767 chiếc/28.345 lao động.
Các tàu thuyền hoạt động trên biển hiện nay đã biết thông tin, diễn biến về bão và đang được Biên phòng tỉnh Bình Thuận hướng dẫn, kêu gọi vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn, không di chuyển vào vùng ảnh hưởng của bão; giữ liên lạc với các đồn biên phòng, các đài thông tin Duyên hải khu vực và với gia đình, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Bình Thuận hiện có 117 lồng bè/307 lao động, các chủ bè nuôi thủy sản đã được UBND các địa phương, bộ đội Biên phòng thông báo tình hình thời tiết, ảnh hưởng của bão số 4 để có phương án gia cố, chằng buộc an toàn.
Số tàu thuyền Bình Thuận đang hoạt động trên biển là 2.591/15.529 lao động. |
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia vào lúc 7 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão số 4 ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 118,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km có xu hướng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên khu vực biển Quảng Trị-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 16.
Từ trưa ngày 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội.
Từ tối và đêm 27/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1,0-1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.
(Duy Quang - Mạnh Thắng)