Theo Thông tư 24 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ 31/3/2016, các doanh nghiệp vay ngoại tệ (USD) xong bán lấy tiền đồng sử dụng trong nước hưởng lãi suất chênh lệch thấp giữa VND và USD sẽ bị buộc ngừng vay ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại. Chính sách “khép” tín dụng ngoại tệ được dự báo sẽ tác động tới nhiều doanh nghiệp.
Cấm vay ngoại tệ rồi bán lại
Năm 2015, tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản có nguồn thu ngoại tệ đều tranh thủ tỷ giá ổn định để vay ngoại tệ (đa số là USD) sau đó bán luôn lấy tiền đồng và dùng để “chi tiêu” trong nước như trả tiền mua hàng, đầu tư cơ sở vật chất, trả lương công nhân.
Chị Nguyễn Phương, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu dừa lớn ở Bạc Liêu khi đó cho biết, công ty của chị luôn có dư nợ vay ngoại tệ vài trăm ngàn USD. Với lãi suất vay USD vào khoảng 4%/năm, kể cả cộng chênh lệch từ tỷ giá thì tính ra, doanh nghiệp vẫn tiết kiệm được ít nhất 3 % lãi suất VND. “Ngay khi có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu sản phẩm dừa, doanh nghiệp trả ngân hàng ngay”, chị Phương nói.
Tuy nhiên, với quy định tại Thông tư 24 có hiệu lực từ 31/3/2016, thì NHNN sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ với nhóm DN vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước. Với chính sách này, các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long như chị Phương sẽ gặp khó khăn hơn bởi việc lãi vay tiền đồng tăng sẽ “đẩy” chi phí trả lãi ngân hàng tăng, điều đó cũng đồng nghĩa lợi nhuận doanh nghiệp sẽ thu hẹp.
Về lý do “khép cửa” vay ngoại tệ với nhóm này, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Bùi Quốc Dũng khẳng định: Do các đối tượng này không có nhu cầu ngoại tệ thực mà chỉ để đáp ứng nhu cầu vốn trong nước. “Mục tiêu là họ muốn hưởng lãi suất thấp từ vay ngoại tệ chứ không cần ngoại tệ”, ông Dũng nói.
Hai năm trước, chính NHNN chủ động mở ra với họ, nay sao lại khép? Theo ông Dũng, giai đoạn trước nền kinh tế còn tăng trưởng thấp, cầu về thị trường thấp nên “mở” cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Còn giai đoạn hiện nay nền kinh tế tăng trưởng tốt, cầu tín dụng tăng trưởng trở lại, cầu về ngoại tệ cũng tăng cao nên trong lộ trình chống đô la hóa, cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán. “Đối tượng cần thu hẹp lại, chỉ phục vụ đúng đối tượng cần ngoại tệ thôi”, ông Dũng khẳng định.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM chia sẻ thêm: Mục đích của Thông tư 24 là tránh tình trạng doanh nghiệp vay ngoại tệ sau đó bán lại lấy tiền đồng để trang trải chi phí. Vì hiện nay, chênh lệch lãi suất vay ngoại tệ và nội tệ lên tới 3 - 5%. “NHNN không cấm cho vay bằng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu mà chỉ cấm cho đối tượng vay bằng ngoại tệ rồi bán ngoại tệ lại cho ngân hàng, tức là không cho chuyển đổi bằng tiền đồng mà chỉ cho nhận ngoại tệ để thanh toán cho các giao dịch theo quy định của pháp luật” - ông Minh nhấn mạnh.
Giảm lãi dự tính
Theo bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng giám đốc NHTM Liên Việt, do ngân hàng này hiện ít cho những đối tượng này vay nên quy định của Thông tư 24 về việc ngừng cho các nhóm đối tượng vay không ảnh hưởng gì mấy. “Tại LienVietPostBank đối tượng này rất ít nên chúng tôi không thấy đáng ngại mà các ngân hàng quốc doanh ảnh hưởng nhiều hơn”, bà Vân nói.
Còn giám đốc sở giao dịch của một ngân hàng quốc doanh lớn thừa nhận, đây là tin không vui với đa số doanh nghiệp. “Nhiều doanh nghiệp lớn thậm chí như cả các tập đoàn, tổng công ty 2 năm qua đều tranh thủ thực hiện hình thức vay mượn này, vì chỉ riêng phần chênh lãi suất giữa USD và VND đã dôi ra một khoản lời. Cái này trong hạch toán của các doanh nghiệp gọi là cấu phần lợi nhuận từ ngân hàng. Với khoản vay lên tới cả ngàn tỷ đồng thì đây là một khoản chênh rất lớn. Nay bị cấm vay rồi, thì lãi dự toán của họ sẽ giảm xuống. Nhưng tôi khẳng định, nó không ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm”, vị này nói.
Tại Thông tư 24, ba nhóm đối tượng được tiếp tục vay ngoại tệ, gồm: Nhóm thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; Nhóm cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Và nhóm vay ngắn hạn đối với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.
Theo các chuyên gia, với việc lãi suất tiền gửi USD về 0% (từ ngày 17/12/2015 đối với cả cá nhân và tổ chức) tiền gửi ngoại tệ kỳ hạn trung dài hạn trong hệ thống ngân hàng đang sụt giảm cực mạnh (đa phần người dân chỉ gửi không kỳ hạn). “Việc siết vay ngoại tệ vào thời điểm này là phù hợp, vì nhiều ngân hàng đang khan dần nguồn ngoại tệ trung dài hạn. Sau khi lãi suất USD giảm về 0%, các ngân hàng huy động USD rất khó khăn”, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần nói.