Trao đổi với báo giới chiều cùng ngày bà Hồng cho biết: “Chỉ hai nhóm đối tượng sẽ hạn chế không được vay ngoại tệ sau 31/12/2014 đó là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích nhiều yếu tố, Thống đốc NHNN đã tiếp tục cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tự quyết định cho vay ngoại tệ đối với hai nhu cầu vay vốn này được thực hiện hết năm 2015 chứ không phải là dừng hẳn”.
Theo bà Hồng, sở dĩ NHHN quyết định vậy bởi trên cơ sở xem xét nhu cầu sử dụng ngoại tệ của doanh nghiệp. “Hiện dư nợ ngoại tệ chiếm khoảng 30% trong số tổng dư nợ toàn ngành, trong đó vay ngoại tệ về xăng dầu chiếm khoảng 6%; còn các DN vay vốn ngoại nhưng sản xuất hàng trong nước chủ yếu rơi vào các DN sản xuất thủy sản. Cách đây hơn 1 năm khi Thống đốc vào làm việc phía Nam, các DN nuôi và sản xuất thủy sản kêu gặp khó, họ muốn vay ngoại tệ thì sẽ có lợi hơn về chi phí sản xuất. Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ sẽ chuyển từ việc các DN này thay vì vay sang mua bán”- bà Hồng nói.
Trong bối cảnh điều kiện tỷ giá tương đối ổn định, lãi suất cho vay VND “dâng” cao hơn so với lãi suất cho vay bằng ngoại tệ, thì việc cho phép cho vay ngoại tệ sẽ tạo điều kiện cho DN giảm chi phí vay vốn so với vay vốn bằng VND. “Và vay ngoại tệ chắc chắn vẫn rẻ hơn vay nội tệ” - Phó Tổng giám đốc một NHTM cổ phần khẳng định.
“Thời gian tới NHNN yêu cầu TCTD báo cáo số liệu đến hạn của khoản tín dụng ngoại tệ để nắm dòng tiền một cách tổng thể và từ đó tạo điều kiện cho việc ổn định thị trường ngoại hối”- bà Hồng nói.