Thông tin trên được Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế chiều 14/4.
Theo ông Mạnh Hà, tình trạng xe container chở hàng rời là những cuộn thép lưu thông gây tai nạn đang gây tâm lý lo lắng cho người dân khi tham gia giao thông. Công an thành phố đã tăng cường giám sát, phát hiện xử lý nghiêm đối với những xe container chở hàng rời là những cuộn thép lưu thông, không chằng buộc chắc chắn và xe tải chở hàng vượt tải trọng cho phép.
Một vụ tai nạn xảy ra do cuộn thép rơi từ trên xe xuống đường. Ảnh: Hương Chi |
Theo thống kê của Công an thành phố từ đầu năm 2022 đến nay, tính riêng các quyết định xử phạt hành chính của Giám đốc Công an thành phố và các quyết định tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố thì Công an thành phố đã xử phạt 141 trường hợp vi phạm với số tiền gần 2,8 tỷ đồng đối với các trường hợp vi phạm liên quan đến phương tiện chở hàng hóa và xe vượt tải trọng. Trong đó có 2 trường hợp là xe container chở hàng rời lưu thông không đảm bảo an toàn.
Hiện nay, pháp luật có quy định về xử lý đối với phương tiện chở hàng trên xe không chằng buộc hoặc chằng buộc không chắc chắn. Tuy nhiên, theo ông Mạnh Hà: “Nội dung liên quan đến chằng buộc không chắc chắn chưa có quy định cụ thể như thế nào là không chắc chắn nên quá trình xử lý đối với các trường hợp liên quan kể cả có chằng buộc thì không đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn hay không”.
Công an TPHCM nhận ra bất cập trên và đã có báo cáo đề xuất Bộ Công an để ra hướng dẫn cụ thể đối với việc xử lý khi phát hiện những xe vận chuyển hàng hóa có khối lượng cuộn tròn như cuộn thép không đảm bảo an toàn. Các xe cần phải có kê chống lăn và dây xích để cột, chằng buộc chắc chắn trước khi lưu thông.
Để chủ động ngăn chặn và xử lý đối với các trường hợp vi phạm hoặc vận chuyển hàng hóa không đảm bảo an toàn, Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra đến tận các bến cảng điều hành vận tải hàng hóa kết hợp tuyên truyền về nguy cơ gây tai nạn giao thông đối với trường hợp trên.
Bên cạnh đó, Công an thành phố đã ban hành kế hoạch (số 43 ngày 5/1/2022) về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề chuyên chở hàng hóa quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Nếu không có tình tiết tăng nặng thì lực lượng chức năng chỉ xử phạt theo mức trung bình của khung hình phạt. Trường hợp có 2 tình tiết tăng nặng trở lên mới xử phạt kịch khung.
Theo quy định tại điểm A khoản 1 điều 24 Nghị định 100 sửa đổi bổ sung tại nghị định 123 của Chính phủ thì hành vi vận chuyển hàng trên xe chằng buộc không chắc chắn hoặc không chằng buộc sẽ bị xử phạt từ 600 đến 800 nghìn đồng, trường hợp gây tai nạn sẽ bị xử phạt từ 8 triệu đến 12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.