Siết chất lượng luận án tiến sĩ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau 10 năm, chất lượng đào tạo tiến sĩ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng luận án chỉ ở tầm báo cáo tổng kết, không có cái mới và thiếu những luận án có tính ứng dụng.
Siết chất lượng luận án tiến sĩ ảnh 1
Nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ. Ảnh minh họa

Bộ GD&ĐT cho biết, qua thẩm định luận án và hồ sơ của nhiều cơ sở đào tạo trong 10 năm trở lại đây không có trường hợp nào Bộ phải thành lập hội đồng thẩm định lại luận án. Chỉ có 2 trường hợp phải sửa chữa luận án theo yêu cầu của người thẩm định, trong đó có trường hợp luận án của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh (Viện Khoa học Thể dục thể thao) với đề tài “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La”.

Với luận án này, Bộ nhận được kết quả 1 nhà khoa học đánh giá không đạt yêu cầu, 2 người thẩm định khác thông qua nhưng yêu cầu chỉnh sửa nhiều nội dung luận án.

Theo quy định, do luận án đã nhận được 2/3 nhận xét thông qua có sửa chữa, Bộ GD&ĐT đã gửi ý kiến thẩm định về Viện Khoa học Thể dục thể thao để xử lý theo thẩm quyền.

Bộ GD&ĐT thừa nhận, công tác đào tạo tiến sĩ ở trong nước vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định, chất lượng đào tạo không đồng đều. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ ở một số cơ sở vẫn để xảy ra sai phạm, nhưng chưa được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời như Học viện Khoa học Xã hội.

Chất lượng một số công bố khoa học bắt buộc chưa cao, chỉ ở mức đối phó đủ điều kiện, chưa đáp ứng yêu cầu về khoa học và thực tiễn. Cá biệt còn có sự nể nang, dễ dãi khi thành lập hội đồng đánh giá luận án, thông qua một số đề tài luận án tiến sĩ có phạm vi quá hẹp tương tự một báo cáo tổng kết, chưa bảo đảm giá trị khoa học và chưa đủ tầm của một luận án tiến sĩ gây tranh cãi trong dư luận xã hội vừa qua như Viện Khoa học Thể dục thể thao, tạo dư luận xấu đối với người được nhận bằng tiến sĩ, người hướng dẫn và hội đồng đánh giá luận án, làm giảm uy tín của cơ sở đào tạo, lãng phí nguồn lực của chính cơ sở đào tạo và của xã hội. Nhiều chương trình đào tạo tiến sĩ không phù hợp với thị trường lao động.

Theo Bộ GD&ĐT, việc thực hiện tự chủ về đào tạo tiến sĩ khi chưa kịp đổi mới cơ chế quản trị, thiếu sự minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo đã dẫn đến những bất cập trong đào tạo tiến sĩ.

Một số cơ sở đào tạo là các viện nghiên cứu còn chưa ban hành quy chế đào tạo của cơ sở hoặc ban hành theo cách chép y nguyên quy chế của Bộ, chưa thể hiện vai trò và chức năng tự chủ, trách nhiệm giải trình trong chuyên môn theo luật định.

“Thực tế triển khai cũng cho thấy, số ít cơ sở đào tạo vẫn chưa tuân thủ chặt chẽ quy chế của Bộ GD&ĐT, việc quản lý nghiên cứu sinh còn lỏng lẻo, chưa chú trọng đến việc tổ chức sinh hoạt khoa học định kỳ để giám sát kết quả và chất lượng nghiên cứu theo tiến độ”, Bộ GD&ĐT thông tin.

Nhiều chương trình đào tạo tiến sĩ có hệ thống học liệu lạc hậu, thiếu cập nhật. Thậm chí, một số chương trình đào tạo không còn phù hợp với nhu cầu học tập của thị trường lao động.

Bằng tiến sĩ không phải là “trang sức”

Từ những năm 2000, các chuyên gia, học giả đã cảnh báo tình trạng nể nang, xuê xoa trong chấm luận án tiến sĩ tại các hội đồng. Có nghiên cứu sinh phải viết đi viết lại bảng thông tin tới 5 - 6 lần mà vẫn không chỉ ra được cái gì mới, mới so với ai trong đề tài của mình.

Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng chỉ ra rằng, tâm lý sính bằng cấp, học vị và động cơ theo học trình độ tiến sĩ không vì mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân nghiên cứu sinh vẫn còn tồn tại. Có nghĩa, bằng tiến sĩ với một số người giống như “trang sức”.

Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, chi phí đào tạo tiến sĩ của Việt Nam chỉ bằng 1/20 đến 1/56 so với các nước phát triển.

GS.TS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho rằng báo cáo của Bộ GD&ĐT chỉ ra có 2 luận án tiến sĩ bị yêu cầu chỉnh sửa là quá ít so với thực tế.

Những luận án này đều do dư luận lên tiếng, yêu cầu phải xem xét lại khi phát hiện luận án chỉ dừng ở báo cáo, không đạt đến yêu cầu là công trình nghiên cứu. GS Châu khẳng định, cơ sở đào tạo lựa chọn Hội đồng đánh giá luận án không chất lượng, không đạt yêu cầu, dẫn đến tình trạng luận án kém chất lượng. Ông Châu cho rằng, chất lượng luận án chưa xứng tầm thì trách nhiệm của Bộ GD&ĐT liên quan gián tiếp.

Theo ông Châu, quy chế đào tạo tiến sĩ ban hành năm 2017 tạo rào cản đáng kể để loại những luận án kém chất lượng khi yêu cầu nghiên cứu sinh phải có bài báo quốc tế hoặc báo cáo khoa học tại hội nghị khoa học quốc tế. Số lượng nghiên cứu sinh đã giảm đáng kể khi quy định được ban hành.

Tuy nhiên, sau đó, năm 2022, Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế sửa đổi, bổ sung đã bỏ quy định này. “Dư luận lo ngại nếu yêu cầu bài báo quốc tế có thể xảy ra hiện tượng mua bán bài báo.

Nhưng tôi nghĩ nếu có hiện tượng đó cũng chỉ hi hữu với một vài nghiên cứu sinh. Bài báo quốc tế vẫn là phễu lọc tốt nếu hội đồng chấm luận án và người hướng dẫn có tầm”, ông Châu nói.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.