Sính bằng cấp gây lệch lạc động cơ làm tiến sĩ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội vừa gửi tới đại biểu Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ (TS). Báo cáo đã chỉ ra những bất cập, hạn chế trong đào tạo TS tại Việt Nam trong thời gian qua.

Theo báo cáo kết quả giám sát, một số nội dung quy định trong văn bản chưa bảo đảm tính hợp lý, ví dụ như về thời gian đào tạo trong Thông tư số 10/2009 quy định nghiên cứu sinh được kéo dài tối đa thời gian học đến 7 năm kể từ ngày có quyết định công nhận đến khi trình luận án để bảo vệ nhưng không hạn định khoảng thời gian cụ thể từ khi thực hiện quy trình phản biện độc lập đến khi bảo vệ cấp trường. Từ đó dẫn đến khoảng trống pháp lý trong xử lý các trường hợp vượt quá thời gian đào tạo trong giai đoạn này.

Sính bằng cấp gây lệch lạc động cơ làm tiến sĩ ảnh 1

Đào tạo tiến sĩ trong các cơ sở giáo dục ĐH, viện nghiên cứu còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa

Ngược lại, thời gian chuẩn trong đào tạo TS theo Thông tư 08/2017 chỉ có 3 năm (tối đa là 5 năm, kể cả thời gian gia hạn) nên hầu hết thí sinh không thể hoàn thành luận án đúng theo thời gian chuẩn quy định (theo báo cáo của trường ĐH Kinh tế quốc dân, có tới 90% nghiên cứu sinh thực hiện theo quy chế này phải xin gia hạn, kéo dài thời gian), gây khó khăn trong tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo.

Báo cáo của Ủy ban Văn hóa Giáo dục nhận định, về cơ cấu tuyển sinh, khoảng 60 - 70% thí sinh đến từ các cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ quan nghiên cứu; gần 30% thí sinh đang công tác tại các cơ quan quản lý, hành chính sự nghiệp (thí sinh là các đối tượng khác như doanh nghiệp tư nhân hoặc đơn vị khác chiếm tỷ lệ không đáng kể). Những con số này là một trong số những căn cứ để Ủy ban đưa ra nhận định tâm lý sính bằng cấp, học vị và động cơ theo học trình độ TS không vì mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân nghiên cứu sinh vẫn còn tồn tại.

Chưa mạnh tay xử lí sai phạm

Cũng theo Ủy ban Văn hóa Giáo dục, việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo phân cấp của một vài đơn vị, nhất là trong công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa được sát sao, đầy đủ dẫn đến có một số cơ sở đào tạo trực thuộc để xảy ra sai phạm nhưng chưa được chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Trong các năm 2019, 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không tiến hành thanh tra về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc Bộ theo quy định.

Việc mở mới ngành đào tạo trình độ TS ở những lĩnh vực ngành nghề đáp ứng xu thế phát triển của khu vực và thế giới (như năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ mới…) còn hạn chế. Quy định về ngành và mã ngành đào tạo còn bất cập khi một số chuyên ngành được xếp ngang hàng với ngành đào tạo, ví dụ mã ngành Hóa học ngang hàng với mã ngành Hóa hữu cơ, mã ngành Vô cơ; mã ngành Khoa học vật liệu ngang hàng với Vật liệu điện tử. Một số mã ngành hẹp, mặc dù rất cần thiết nhưng nhu cầu số lượng không nhiều như ngành Khí tượng thủy văn, Hải dương học, Vật lý địa cầu - Địa vật lý (cảnh báo sóng thần), Ký sinh trùng,…lại kén người học nên rất khó tuyển sinh. Nhiều ngành có nguy cơ phải đóng mã ngành vì không tuyển được nghiên cứu sinh sau thời gian 5 năm theo quy định.

Quy mô ngành đào tạo của các cơ sở còn khá nhỏ và phân tán. Có tới trên 70% cơ sở đào tạo đang tổ chức đào tạo dưới 5 mã ngành/chuyên ngành, trong đó có tới 32% chỉ mới đào tạo 1 mã ngành (18 viện nghiên cứu và 44 cơ sở giáo dục ĐH). Có 8 cơ sở hiện có trên 20 mã ngành đào tạo, chiếm tỉ lệ 4,12%.

Ủy ban Văn hóa Giáo dục cũng chỉ ra rằng việc kiểm tra, theo dõi, giám sát việc duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng ngành đào tạo trình độ TS chưa được thường xuyên. Ngoài đợt rà soát lớn và xử lý kiên quyết các vi phạm, thiếu sót trong đào tạo TS năm 2011 (Bộ GD&ĐT quyết định dừng tuyển sinh 101 chuyên ngành của 35 cơ sở đào tạo TS, cảnh báo 38 chuyên ngành của 18 cơ sở đào tạo. Năm 2012, sau khi rà soát lại, Bộ thu hồi quyết định mở ngành đối với 57 ngành tại 27 cơ sở đào tạo do không khắc phục được thiếu sót), Bộ mới chỉ ban hành công văn nhắc nhở sau khi có những phản ứng, bức xúc của dư luận xã hội đối với hoạt động đào tạo trình độ TS. Việc kiểm tra nội dung này mới chỉ được thực hiện lồng ghép với công tác kiểm tra tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo các trình độ giáo dục đại học nói chung.

Về quy mô tuyển sinh và đào tạo, giai đoạn 2000-2022, các cơ sở đào tạo trình độ TS đã thực hiện tuyển mới được trên 32 nghìn nghiên cứu sinh; tỉ lệ tuyển mới tăng gần 5,5 lần. Quy mô đào tạo tăng gần 6 lần vào thời điểm cao nhất (năm học 2017-2018) và hiện gấp khoảng 3,5 lần so với thời điểm năm học 2000-2001. Số lượng nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình, được công nhận trình độ và cấp bằng TS hằng năm ở giai đoạn này cũng tăng hơn 10,5 lần. Tuy nhiên, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu, trung bình những năm gần đây chỉ đạt khoảng trên 32%, dẫn tới nhiều nơi không có sự cạnh tranh, nảy sinh sự dễ dãi trong tuyển chọn đầu vào, đặc biệt là về năng lực nghiên cứu chuyên môn.

Ủy ban Văn hóa Giáo dục đánh giá cơ cấu ngành nghề trong tuyển sinh, đào tạo trình độ TS có sự mất cân đối. Quy mô đào tạo trình độ TS của Việt Nam hiện còn nhỏ; việc thu hút nghiên cứu sinh quốc tế còn rất hạn chế.

Tính đến năm 2022, toàn hệ thống có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ TS, tăng 1,66 lần so với năm học 2014-2015, trong đó có 39 viện nghiên cứu, trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang và trường của bộ, ngành với tổng số 267 ngành và 1.110 lượt ngành đào tạo trình độ TS.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.