Sếp “bụi đời” và những trận đánh

Sếp “bụi đời” và những trận đánh
TP - Tự nhận mình là Tổng biên tập “bụi đời” nhưng những trận đánh mà ông tổ chức trên báo Pháp luật TPHCM đã làm thay đổi nhiều số phận con người và vùng đất, thay đổi nhiều chính sách lỗi thời...

> Một góc nghề Tổng biên tập: Nghề của một thời?

Tổng biên tập “bụi đời” giao lưu với người dân lao động
Tổng biên tập “bụi đời” giao lưu với người dân lao động.

Lớp nâng cao nghiệp vụ về phóng sự điều tra do Thụy Điển tài trợ hôm ấy được nghe ông Nam Đồng- nguyên Tổng Biên tập báo Pháp Luật TPHCM chia sẻ những kinh nghiệm đối với thể loại gai góc và thường gặp “tai nạn” này.

Gương mặt đen như Bao Công, tướng ngũ đoản, phong cách giống bác Hai Lúa Nam Bộ, nhưng khi ông nói chuyện thì những phóng viên đã có thâm niên trong nghề cũng “ngộ” ra nhiều điều.

Làm thế nào để tác nghiệp viết bài điều tra chống tiêu cực không bị sai về khía cạnh pháp luật, không bị mắc lỗi, không dính vào cạm bẫy...?

Những câu hỏi ấy được Nam Đồng giải đáp bằng chính trải nghiệm cuộc đời làm báo đầy sóng gió và sôi động của mình. Cuộc đời làm báo của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm ở tờ Pháp Luật TPHCM.

Khi ông về hưu, lớp đàn em ở báo đã viết một câu tiếu lâm nhưng rất thật: “ Điều 1: Nam Đồng là người cốt cán xây dựng nên báo Pháp Luật TPHCM. Điều 2: Nếu có gì lấn cấn xin xem lại điều 1”.

Một ngày đẹp trời, báo Pháp Luật TPHCM nhận tin ông Nam Đồng phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ sẽ về làm Tổng Biên tập. Nam Đồng đến gặp bác bảo vệ già: “Tôi muốn gặp chị Hạt Tổng Biên tập”.

Bác bảo vệ nhìn cái ông mập lùn, đen, đi cái xe máy ghẻ đời 78: “Anh gặp có việc gì, hôm nay cơ quan bận họp, chiều nay mời anh đến phòng bạn đọc”. Nam Đồng: “ Dạ, chuyện của tôi chỉ chị Hạt mới giải quyết được”.

Bảo vệ vẫn từ chối. Nam Đồng thừa lúc bảo vệ quay đi, leo lên lầu rồi vào phòng Tổng Biên tập, bảo vệ đuổi theo, thở dốc: Báo cáo cô Hạt, tui đã nói ông bạn đọc này không được lên, nhưng...

Ít phút sau, cả cơ quan họp để ra mắt Tổng Biên tập Nam Đồng. Bảo vệ già vẫn không hiểu vì sao thằng cha lùn đen mập này vô được phòng họp cơ quan. Khi hiểu ra, xin lỗi, thì Nam Đồng cười hề hề: “Tui xin lỗi bác mới phải chứ”.

Hoàn thiện và đề cao nhân cách qua trang viết

Nhưng để tân Tổng Biên tập Nam Đồng vực dậy tờ báo đang bi bét, lượng phát hành chỉ 5-6 nghìn tờ/kỳ thì khó hơn nhiều so với việc qua cửa ông bảo vệ già.

Nhiều người ái ngại lo Nam Đồng về báo này sẽ bị “sa lầy”. Song một thời gian sau khi Nam Đồng chấp chính, báo Pháp Luật TPHCM nhanh chóng lột xác, lượng phát hành tăng vọt, rồi thành một tờ nhật báo chuyên ngành.

Báo của ngành pháp luật mà không “lá cải” theo kiểu tiền, tình, tù, tội, cướp, giết, hiếp, không “tưới máu lên tít”, mà đi sâu vào khía cạnh pháp lý, tính nhân văn và tính phản biện được đề cao.

Với Nam Đồng, lượng phát hành cao cũng không mấy ý nghĩa nếu báo không thúc đẩy xã hội phát triển. Ông tâm sự:

“Tư tưởng xuyên suốt mà báo Pháp Luật TPHCM theo đuổi 20 năm qua là thông tin pháp luật kịp thời đầy đủ, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nếu báo thúc đẩy thay đổi một chủ trương lỗi thời, để ra một chủ trương chính sách phù hợp với thực tiễn là thắng lợi nhất, vì nó làm thay đổi số phận rất nhiều con người”.

Cho đến bây giờ Nam Đồng vẫn nhớ từng bài báo đã góp sức làm thay đổi cả một chủ trương, chính sách. Bài“Có cần mặc áo tù ra toà không?” nêu thực trạng bị cáo tạm giam vẫn phải mặc áo tù sọc đen như tội phạm.

Đều này trái với hiến pháp và ảnh hưởng xấu tới những người phải khoác áo tù mà chưa qua xét xử của toà án. Bài báo đó đã đấu tranh để UBTV Quốc hội ra nghị quyết với nội dung bị cáo đang bị tam giam ra tòa mặc thường phục.

Bài “Cái còng trong xã hội Pháp quyền” phản ánh thực tế cái còng để còng tay bị cáo ra toà bị sử dụng vô tội vạ và thiếu căn cứ pháp lý, thiếu tính nhân văn. Sau đó, bị cáo ra toà không còn bị còng tay.

Bài “Có nên quản lý xác tử tội?”, phóng viên đi điều tra ở một số pháp trường đã chỉ ra hiện trạng nhiều xác tử tội đã bị đào trộm sau khi thi hành án.

Qua đó chỉ ra pháp luật còn bỏ ngỏ vấn đề mồ của tử tội, cần có quy định về mồ tử tội. Bài báo đã dẫn tới kết quả: luật cho phép thân nhân được mang xác tử tội về chôn.

Ở khía cạnh dân sinh, báo Pháp Luật TPHCM đã “giải oan” cho nhà xây trái phép.

Đã từng có một thời gian dài, kéo dài từ năm 2004 tới giữa năm 2009, chủ nhà dời vị trí cầu thang, thay đổi diện tích, thậm chí xây thêm cái gờ hứng nước mưa cũng bị xem là sai giấy phép xây dựng với lý do: thay đổi so với bản vẽ của giấy phép xây dựng. Báo mở chiến dịch “giải oan” một loạt bài và sau đó bằng một cuộc hội thảo “ba mặt một lời” giữa Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp.

Kết quả: Sở Xây dựng TP.HCM ban hành văn bản chỉ đạo các quận huyện không được can thiệp vào nội thất trong nhà...

Vụ anh Ngô Minh Thuận ở Tây Ninh, lấy nhầm vợ 13 tuổi bị tuyên án tám năm tù, nhờ báo đấu tranh mà vụ án bị đình chỉ.

Vụ “Làng ung thư Thạch Sơn” xôn xao dư luận một thời, báo Pháp luật TPHCM bằng loạt bài điều tra của mình đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của 7.500 người dân vốn đang chết dần vì chất thải độc hại của nhà máy phân bón.

Vụ ông Nguyễn Bá Phê ở Phan Thiết bị toà kết án oan đã uống thuốc rầy tự tử tại toà. Nam Đồng mới lên Tổng Biên tập đã lật lại hồ sơ, cuối cùng toà xử Nguyễn Bá Phê vô tội. Nam Đồng cầm bản án tuyên vô tội, ra Phan Thiết đốt trước mộ ông Phê.

“Ông Nam Đồng đã cúi đầu nhận tội”

Trong lớp nghiệp vụ phóng sự điều tra hôm ấy, Nam Đồng kể về “tai nạn nghề nghiệp” khiến không ít người rùng mình.

Nam Đồng luôn một nỗi ưu tư: Báo chí làm sao thúc đẩy xã hội phát triển
Nam Đồng luôn một nỗi ưu tư: Báo chí làm sao thúc đẩy xã hội phát triển.

“Hồi đó ở An Giang, có cửa khẩu An Phú mại dâm dữ lắm. Có phóng viên báo mình khi viết đã vơ đũa cả nắm.

Sai lớn nhất là không điều tra mà nói: “Đa số chị em đều làm nghề đó” gây phẫn nộ cho địa phương.

Nghe qua tôi thấy: “Thôi chết rồi, mình sai hoàn toàn rồi”. Lỗi đó có cả mình là người ký duyệt. Mình về đó, trước ban ngành, đoàn thể xin lỗi nhân dân, về nhà đính chính đàng hoàng, không phải “nói lại cho rõ” gì hết. Báo An Giang đăng ngay trang nhất: “Ông Nam Đồng Tổng Biên tập báo Pháp Luật TPHCM đã cúi đầu nhận tội”.

Tôi sao in bài báo, cho vào khung, tới sinh nhật báo, hoặc mỗi lần sinh hoạt kiểm điểm là tôi đưa ra cho anh em.

Trên đường đi những sai sót làm sao tránh được, nhưng phải biến nó thành bài học để trưởng thành.

Nhiều vụ đánh tiêu cực mình đúng cả, nhưng chỉ cần một chi tiết nhỏ sai là phải ngậm đắng nuốt cay xin lỗi, cải chính, thậm chí bồi thường thiệt hại. Trước hết cái tâm của phóng viên phải sáng, có thể dở, nhưng không dơ”.

Vị Tổng Biên tập có gương mặt của Bao Công này chia sẻ: “Phải tôn trọng bí mật đời tư, không ai bị coi là tội phạm khi chưa có bản án của toà, không dùng “y thị, hắn” đối với nghi can”.

Nam Đồng tự nhận mình là Tổng Biên tập “bụi đời”, làm Tổng Biên tập nhưng đi xe máy cà tàng, thích những nơi bụi bặm, rẻ tiền.

Ông từng thuê xe máy cùng phóng viên Đức Hiển lên Điện Biên, ngồi thổi kèn trên đỉnh đèo, bị tai nạn suýt chết, về tới Hoà Bình, mưa như trút, hai thầy trò vẫn vừa đi vừa đọc thơ.

Đi công tác, ông “hành” phóng viên chở đi khắp Hà Nội để tìm thuê khách sạn nào rẻ nhất.

Ông lý giải: “Tao là Tổng Biên tập tao ở cái phòng 500-700 nghìn không sao nhưng tao ở khách sạn đắt tiền thì túi cơ quan bị móc một phần, tao không ăn hớt mồ hôi anh em”.

Một buổi chiều hè Hà Nội, sắp đến giờ đi nhậu (bia hơi vỉa hè), ông tâm sự với tôi về nghề, ông trầm tư: “Nghề Tổng Biên tập, khó nhất là phải đánh hơi được thời tiết chính trị, xã hội và giữ được thế thăng bằng. Thăng bằng nhưng không được cầu an. Phải ngửi được vấn đề để thúc đẩy xã hội phát triển”.

13 năm ở “mũi nhọn” với cương vị Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM, Nam Đồng về hưu trong buổi chia tay nhiều nước mắt.

Cán bộ phóng viên báo yêu quý ông đã bảo nhau cùng góp tiền để in cuốn sách “Nhìn từ đồng nghiệp” tập hợp các bài viết về Nhà báo Nam Đồng dịp ông vừa “hoàn thành nhiệm vụ”.

Ngồi với ông đúng dịp đang có cuộc tranh cãi về báo lá cải, Nam Đồng có vẻ bức xúc với những tờ báo chỉ nhăm nhăm khai thác tiền, tình, tù, tội, để kiếm tiền mà quên mất thiên chức nân cao giá trị, nhân phẩm con người.

Xem ra dù “hoàn thành nhiệm vụ” nhưng ông mãi đau đáu vì nghề, vì mục tiêu hướng thiện, dự báo, cảnh báo của báo chí.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.