Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động cho biết cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp cũng như kỹ thuật công nghệ mới, những yêu cầu về phúc lợi và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động đặt ra thách thức mới và bộc lộ những hạn chế, bất cập trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Nội dung an toàn vệ sinh lao động được quy định trong Bộ luật Lao động nhưng đồng thời cũng được quy định phân tán tại nhiều văn bản pháp luật khác đã gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện, đặc biệt là ở cơ sở. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động cần được rà soát, ban hành mới để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, phù hợp với công nghệ và vật liệu mới.
Chính sách của Nhà nước hiện chưa thu hút và huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động, phát triển các dịch vụ trong lĩnh vực này… Vì vậy việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và đẩy mạnh các biện pháp tổ chức thực hiện là đòi hỏi cấp thiết.
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện dự án Luật an toàn, vệ sinh lao động trình Chính phủ. Dự án luật có 7 Chương, 91 điều.
Dự án luật đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng người lao động không có quan hệ lao động đối với công tác an toàn vệ sinh lao động; bổ sung các nội dung chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc từ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Dự án luật có quy định đối với thanh tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh lao động “thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động được tổ chức thành lập ở cấp Bộ, cấp tỉnh và cấp huyện, Chính phủ quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh thanh tra viên, việc tổ chức và hoạt động của lực lượng này”.
Để tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, Cục An toàn lao động đề xuất tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập trung vào các ngành, nghề có nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh lao động; huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn vệ sinh lao động, người lao động theo đúng quy định.
Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc trách nhiệm quản lý, đặc biệt là các ngành, nghề có nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh lao động, phải xây dựng các quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và xử lý sự cố theo quy định…
Dự kiến, Dự án Luật an toàn, vệ sinh lao động sẽ được trình Chính phủ xem xét tại phiên họp tháng 7/2014.