Tại họp báo chiều 23/11 thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2022-2027), Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng thư ký, Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) trả lời báo chí về sở hữu tài sản riêng của tăng ni.
“Về tài sản của tăng ni, trước đây Hiến chương chưa có quy định cụ thể. Dự kiến Hiến chương lần này sẽ có quy định rất rõ về vấn đề nêu trên, tránh tình trạng sử dụng tiền Tam Bảo làm của riêng”, Hòa thượng Thích Huệ Thông nói.
Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Huệ Thông cho biết, Nội quy Ban Tăng sự của GHPGVN có quy định rõ về chuyện tăng ni sở hữu tài sản. Tăng ni đang ở chùa muốn sở hữu tài sản riêng phải chứng minh được đó là tài sản riêng như cha mẹ, anh chị em tặng hoặc được cúng dường riêng cho tăng ni.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông tin về Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX. |
Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông - cho biết Đại hội sẽ tập trung thảo luận và quyết tâm thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm của toàn thể tăng ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước, cũng như ở nước ngoài trong nhiệm kỳ IX (2022-2027) sẽ thực hiện thành công 12 mục tiêu, chương trình tổng quát mà Đại hội IX hướng tới.
Nếu tăng ni không chứng minh được đó là tài sản riêng thì toàn bộ tài sản đó thuộc về Tam Bảo. Giáo hội không chấp nhận chuyện tăng ni ở chùa khi hoàn tục mang theo tài sản mà không chứng minh được đó là sở hữu riêng.
Thực tế cũng đặt ra câu chuyện sở hữu đất đai của các ngôi chùa, cơ sở thờ tự. Hòa thượng Thích Huệ Thông nhấn mạnh, các cơ sở thờ tự đều đặt dưới sự quản lý của GHPGVN.
“Tuy nhiên lịch sử để lại một số chùa làng, chùa gia đình”, Hòa thượng Thích Huệ Thông nói. Giáo hội thống nhất quan điểm trên cơ sở các quy định của pháp luật và của giáo hội, việc cấp sổ đỏ phải cấp cho tên chùa, không cấp cho cá nhân. Tuy nhiên Hòa thượng nêu, cuộc sống cũng có vấn đề phát sinh, Giáo hội quyết tâm từng bước ổn định tình hình này.
Ban Tăng sự trung ương có hẳn một chương quy định Tài sản tự viện. Theo đó, tại điều 26 về sở hữu tự viện có ghi rõ, tự viện là giáo sản của GHPGVN và chịu sự quản lý của GHPGVN. Tài sản của Tự viện là tài sản chung hợp nhất không thể phân chia.
Tại Điều 27 về quản lý tài sản tự viện: Tự viện là giáo sản, là sở hữu chung của cộng đồng do GHPGVN đại diện làm chủ sở hữu duy nhất. Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (tự viện chưa có trụ trì) là người được GHPGVN giao quyền sử dụng, quản lý Tự viện theo Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước. Quyền định đoạt tài sản tự viện do Giáo hội nắm giữ.
Tại Điều 28 về sử dụng tài sản tự viện: Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự được quyền sử dụng tài sản gắn liền với tự viện vào các hoạt động Phật sự, sinh hoạt, tu học của tăng ni; phục vụ lợi ích chung của Giáo hội và cộng đồng xã hội. Không được sử dụng tài sản Tự viện vào việc lợi ích cá nhân.
Điều 29 về định đoạt tài sản tự viện: Chỉ có Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự tỉnh mới có quyền định đoạt tài sản của tự viện. Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự không có quyền định đoạt tài sản Tự viện. Các tài sản tự viện do cá nhân Trụ trì đứng tên theo giấy khai sinh sau khi được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì, những tài sản đó thuộc tài sản của Tự viện.
Các tài sản khác do cá nhân trụ trì sản xuất, kinh doanh hợp pháp, người khác tặng, cho hợp pháp theo pháp luật Nhà nước trước khi được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì, không bị chi phối bởi điều 27, 28 Nội quy này.