Sẽ cho phá sản tổ chức tín dụng yếu kém?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
TP - Ngày 22/10, thảo luận về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, quản lý nợ công, thu chi ngân sách, nhiều đại biểu đề nghị kiên quyết giữ trần nợ công ở mức 65% GDP, Nhà nước không nên cứu các dự án đầu tư không hiệu quả. Chính phủ đề xuất thí điểm cho phá sản các tổ chức tín dụng yếu kém.

Nói về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nếu không quyết tâm chính trị cao thì vẫn là cách làm cũ. “Phải dám cắt bỏ đi những cái kém hiệu quả, vẫn vở cũ chép lại thì khó thành công”, Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng, hiện có nhiều lĩnh vực đã và đang tái cơ cấu, như đầu tư công, hệ thống tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải có nguồn lực. Nợ xấu đang rất lớn, muốn giải quyết thì “phải bỏ tiền bạc ra, theo quy luật biện chứng thì vật chất giải quyết vật chất, không chỉ nói miệng là được”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, không thể chỉ dùng kỹ thuật là xử lý được nợ xấu. Vì thế, có thể sử dụng nguồn lực của Nhà nước để xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản các tổ chức tín dụng yếu kém. “Chúng ta bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino, sẽ cho phá sản ngân hàng yếu kém. Làm được như vậy thì có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều. Chứ bây giờ cứ thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi Nhà nước phải mua lại 0 đồng, rồi Nhà nước đứng ra lo thì ai chả muốn làm. Như vậy, với tổ chức ngân hàng nào còn có thể phục hồi được thì chúng ta nói là tái cơ cấu, còn với những ngân hàng không phục hồi được thì chúng ta gọi là xử lý ngân hàng yếu kém”, ông Huệ nói.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong 5 năm qua, tái cơ cấu nền kinh tế nhưng không rõ mô hình. Lần này, mô hình được vạch ra là tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, phương thức tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, trong giai đoạn tới, việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ triển khai quyết liệt hơn, với nhiều giải pháp mới. Đối với doanh nghiệp nhà nước, nếu như trước đây làm ăn thua lỗ thường xin cơ chế nọ kia thì bây giờ phân loại, nếu thua lỗ do vấn đề khách quan, khả năng còn tái cơ cấu được thì mới tập trung tái cơ cấu. “Các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, Nhà nước sẽ không cứu những anh như vậy”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Kiên quyết giữ trần nợ công

Đề cập tình hình ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, ưu tiên của Chính phủ là tái cơ cấu thu chi ngân sách để đảm bảo an toàn nợ công. “Quan điểm là chi tiêu phải nằm trong khả năng của nền kinh tế, vay phải trong khả năng trả nợ. Phấn đấu tăng thu để tăng chi, còn nếu thu mà không đạt thì phải giảm chi tương ứng. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính”, ông Huệ nói.

Về trần nợ công đã sát ngưỡng 65% GDP, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ cương quyết đề nghị giữ nguyên trần nợ công. “Thực tế trần nợ công chỉ là một chuyện, quan trọng là tỷ lệ trả nợ. Năm ngoái nghĩa vụ trả nợ chiếm khoảng 27,5% thu ngân sách, trong khi giới hạn an toàn có 25% thôi. Chứ nếu tỷ lệ trả nợ chỉ khoảng 15% thì có thể nới trần lên được”, ông nói.

Ủng hộ việc kiên quyết giữ trần nợ công 65% GDP, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho hay, các nước thường dùng chỉ tiêu kép, nói nợ công phải đi liền với GDP bình quân đầu người. Nếu so sánh mức thu nhập bình quân đầu người một số nước xung quanh với Việt Nam thì thấy rằng nợ của chúng ta đang rất cao. Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, bày tỏ lo lắng về nguồn lực lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng, tương đương gần 500 tỷ USD, để tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

MỚI - NÓNG