SCIC bán vốn hiệu quả tranh thủ được lúc thị trường chứng khoán tốt

SCIC bán vốn hiệu quả tranh thủ được lúc thị trường chứng khoán tốt
TPO - “Trong hoạt động bán vốn, SCIC hết sức chủ động trong vấn đề này và tận dụng được giai đoạn thị trường chứng khoán phát triển trong những tháng đầu năm. Trong đó chỉ riêng bán vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh cũng đã đạt mức giá 96.500 đồng/cổ phần”, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC nói.

Bán vốn đạt 2266 tỷ

Tại buổi họp báo về tình hình hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm ngày 8/8, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cho biết, doanh thu SCIC đạt 2.266 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.923 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.113 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ cổ tức là 1.220 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch năm; doanh thu tài chính 700 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch.

Theo ông Thành, riêng doanh thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp (hạch toán riêng) đạt 2.669 tỷ đồng (riêng bán vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh là gần 2.200 tỷ đồng), đạt 48% tổng doanh thu thoái vốn cả nước 6 tháng đầu năm. Theo đại diện SCIC, trong bối cảnh vốn Nhà nước mà SCIC tiếp nhận tại các doanh nghiệp chỉ chiếm 1% thì con số và tỷ lệ thoái vốn như trên là đáng ghi nhận.

“Trong hoạt động bán vốn, các ngành khác cũng làm nhưng sở dĩ chúng tôi đạt được kết quả trên là do SCIC hết sức chủ động trong vấn đề này và tận dụng được giai đoạn thị trường chứng khoán phát triển trong những tháng đầu năm. Trong đó chỉ riêng bán vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh cũng đã đạt mức giá 96.500 đồng/cổ phần”, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC nói.

Về thoái vốn năm 2018, ông Thành cho biết thêm, tất cả các doanh nghiệp nằm trong kế hoạch đều được SCIC chuẩn bị sẵn sàng về mặt thủ tục pháp lý, tư vấn định giá, cách thức bán… để bán trong những tháng cuối năm. Ví dụ như: Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex); CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco; CTCP Tập đoàn Vinacontrol…

Liên quan đến chủ đề bán vốn Ban lãnh đạo SCIC cho rằng cũng không thể một mình một chợ, phải tuân thủ nguyên tắc thị trường. “Hiện thị trường đang giảm sâu thế này thì phải tính toán có nên mang hết đi bán hay không. Nếu bán lúc thị trường không tốt sẽ  ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước. Chúng  tôi vừa chủ động nhưng cũng vừa mong có sự chỉ đạo của cấp trên. Năm nay, SCIC sẽ cố gắng hoàn thành kế hoạch.’ Ông Chi nói.

SCIC bán vốn hiệu quả tranh thủ được lúc thị trường chứng khoán tốt ảnh 1 Từ đầu năm đến nay, bán vốn Nhà nước tại SCIC đạt 2.260 tỷ mang về cho Nhà nước 

Cũng theo ông Chi, trong thời gian  tới SCIC sẽ điều chỉnh quy định về đấu giá . Có những trường hợp nhà đầu tư mất tiền đặt cọc với  các  lỗi như: ko ký mép phong bì, hay bán cả lô nhưng  bỏ sót mất không ghi các số lẻ…”Tới đây sẽ điều chỉnh lại quy định này. Vì có những khoản cọc lên tới 10 tỷ đến  trăm tỷ chứ ít đâu.  Nhiều vụ kiện,rất mệt.  Nhưng quy chế là quy chế pháp luật là pháp luật cho nên sẽ xem xét để vừa tuân  thủ đúng vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư nhất”.

Bộ ngành vẫn chưa muốn bàn giao DN đã CPH

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đánh giá tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ, ngành rà soát danh mục bàn giao về SCIC theo tinh thần bàn giao hết các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa về SCIC. Đây là việc đã được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần song tiến độ bàn giao doanh nghiệp của các bộ, ngành còn khá chậm.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, dù SCIC tích cực thực hiện nhưng việc tiếp nhận còn có những vướng mắc và chủ yếu do các bộ, ngành. Chẳng hạn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai bên đã thống nhất bàn giao về SCIC 5 trong số 16 doanh nghiệp nhưng đến nay chưa thể thực hiện. Lý do là một số doanh nghiệp bị vướng theo quy định của Thông tư 118 của Bộ Tài chính hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC. Nghĩa là doanh nghiệp phải xử lý xong mới được chuyển giao về SCIC. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại muốn bàn giao “cả gói” doanh nghiệp. Hay như với Bộ Công Thương, SCIC đã làm việc nhiều lần với bộ và Tập đoàn Dệt may nhưng dù xong hết số liệu, thủ tục, Bộ Công Thương vẫn chưa ký bàn giao.

“Xung quanh việc bàn giao và nhận bàn giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC chỉ là doanh nghiệp và chỉ có thể làm việc với các bộ, ngành vì họ là chủ sở hữu và là nơi quyết định việc bàn giao doanh nghiệp, chứ không thể bắt buộc được. Quy định pháp đã có nhưng cần xem lại tính nghiêm minh trong việc này… Nếu các bộ, ngành thực thi nghiêm thì thuận lợi cho SCIC”, ông Chi chia sẻ.

MỚI - NÓNG