Sau tác động tiêu cực từ COVID-19: Xử lý nợ xấu sẽ không che giấu

0:00 / 0:00
0:00
Sau tác động tiêu cực từ COVID-19: Xử lý nợ xấu sẽ không che giấu
TP - Năm 2020, toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam đứng trước triển vọng hoàn tất mục tiêu xử lý nợ xấu một cách triệt để, giảm tỷ lệ nợ xấu nhận diện tổng thể về dưới 3%. Tuy nhiên, tốc độ nợ xấu chuyển biến xấu nhanh thời gian qua do đợt bùng dịch COVID -19 lần thứ tư.

Tuần qua, hoạt động nghiệp vụ của nhiều nhà băng tập trung vào xử lý các tài sản đảm bảo của khách hàng vay nợ (tài sản thế chấp khoản vay không trả nợ được đã đến lúc trở thành nợ xấu phải xử lý).

Ngày 14/10, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo bán lần thứ 9, bán đấu giá tài sản là khoản nợ liên quan đến ông chủ thời trang NEM. Khoản vay có nợ gốc là 257 tỷ đồng, nợ lãi là 173 tỷ đồng và phí phạt quá hạn là 67,3 tỷ đồng.

Ngày 15/10, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) rao bán 334 khoản nợ vay tiêu dùng, với giá bán khởi điểm hơn 7,78 tỷ đồng. Các khoản nợ này không có tài sản bảo đảm, khoản nhỏ nhất dưới 1 triệu đồng, lớn nhất hơn 80 triệu đồng. Đây không phải là lần đầu tiên VietinBank thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng của các khách hàng cá nhân.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa rao bán hàng loạt tài sản là bất động sản tại Lâm Đồng của Công ty TNHH Việt Trường Sơn. Giá khởi điểm cho lần thứ 10 phát mại là hơn 22,3 tỷ đồng cho 6 lô đất tại TP Đà Lạt, TX Bảo Lộc (Lâm Đồng). Tính đến 30/9, khoản nợ của công ty này tại Vietcombank đã lên đến 34,9 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đang thông báo thanh lý hàng loạt xe ô tô Toyota Vios 2019, Toyota Camry 2015, Mazda CX5 2019, xe khách 16 chỗ: Hyundai Solati 2019, Ford Transit 201

Bức tranh nợ xấu ngân hàng cũng được “hé lộ” trong mùa báo cáo tài chính quý 3 này. Ngân hàng TMCP Quốc dân Việt Nam (NCB) là nhà băng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý, cho thấy số dư nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9/2021 hơn 800 tỷ đồng, tăng 23% so với 6 tháng đầu năm. Trong cơ cấu, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm tới 61% nợ xấu của ngân hàng này.

Tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đang thể hiện rõ qua toàn cảnh bức tranh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) tăng lên rõ rệt. Mức độ chuyển biến xấu đến rất nhanh chỉ qua vài tháng cập nhật, và dự báo kéo dài. Số liệu cập nhật mới nhất từ cuộc họp báo thông tin về điều hành Chính sách tiền tệ tuần qua (12/10) của Ngân hàng Nhà nước cho thấy: tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện nay chiếm khoảng 8% dư nợ, trong đó tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2%. Tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu tăng 2,8% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ lệ 3,66% so với tổng dư nợ.

Không được che giấu

Trả lời PV Tiền Phong về những tác động nợ xấu vì dịch bệnh COVID -19 suốt hai năm nay, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay: 10 năm qua, việc xử lý nợ xấu rất vất vả, phải có Nghị quyết 42 để hỗ trợ. Nếu không có dịch, mục tiêu nợ xấu dưới 3% sẽ đạt được. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp không có dòng tiền, không thể trả nợ, do đó nợ xấu nền kinh tế phát sinh và tăng lên là điều tất yếu.

“Đến nay, nợ xấu nội bảng hiện hữu khoảng 2% và nợ tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu khoảng 8%. Trong bối cảnh này, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tích cực phòng ngừa rủi ro, đẩy mạnh trích lập dự phòng. Các ngân hàng được phép trích lập trong 3 năm, mỗi năm tối thiểu 30% nợ cơ cấu lại”, ông Tú nói.

Theo Phó Thống đốc, việc trích lập dự phòng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình tài chính của các ngân hàng. Về cơ bản nếu ngân hàng nào khỏe có thể trích hết, ngân hàng nào yếu thì trích dần.

Để kịp thời thực hiện hỗ trợ việc mua, bán, cơ cấu nợ cho các tổ chức tín dụng và khách hàng, ngày 15/10, sàn giao dịch nợ VAMC chính thức đi vào hoạt động. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) cho biết: Nhiệm vụ của sàn giao dịch nợ là môi giới, tư vấn cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua, bán các khoản nợ và tài sản bảo đảm của các khoản nợ.

“Chúng tôi đã chuẩn bị hơn 2 năm cho lượng hàng hoá, quy trình, bộ máy nhân sự, và website để niêm yết hàng hoá dịch vụ. Ngay ngày đầu hoạt động, chúng tôi đã ký được hợp đồng giá trị tài sản nợ 5.000 tỷ đồng với TCTD”, ông Thắng nói.

Trước việc thời gian gần đây có hiện tượng TCTD thực hiện bán nợ cho bên mua nợ không phải là TCTD và được thanh toán chậm tiền mua nợ, lo ngại các ngân hàng cho vay chéo để mua nợ nhằm che giấu nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo quy định không cho phép các TCTD cho khách hàng vay để mua nợ của chính mình hoặc của TCTD khác. Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, nhà điều hành sẽ làm hết sức hỗ trợ nền kinh tế cũng như hỗ trợ các đơn vị xử lý nợ xấu, tuy nhiên dù thế nào cũng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Ông Tú cho rằng trong bối cảnh này, đã đến lúc Chính phủ, Quốc hội nên xem xét, cần thiết phải “luật hoá nợ xấu” mới thực sự gỡ khó bền vững cho nền kinh tế, bởi nó còn liên quan đến hệ số tín nhiệm quốc gia, đánh giá năng lực tài chính của TCTD.

Quan điểm của NHNN trong xử lý nợ xấu là thận trọng, an toàn hệ thống, không để tổ chức tín dụng che giấu nợ xấu, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng bản chất khoản nợ là phù hợp quy định pháp luật. Còn Hiệp hội ngân hàng (VNBA) mới đây kiến nghị NHNN nên báo cáo Chính phủ thực trạng các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng nghiêm trọng kèm theo trong tương lai nợ xấu sẽ tăng đột biến. Từ đó, đề nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và TCTD bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ngày 15/10, sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với nhiệm vụ trọng tâm là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân thông qua việc sử dụng các kiến thức chuyên môn để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên. Nguồn hàng (nợ xấu) cung cấp cho thị trường được xác định từ các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường, và nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt.

MỚI - NÓNG