Sau nhiều năm quay lưng, Mỹ trải thảm đỏ đón Thủ tướng Ấn Độ Modi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng bị Mỹ xa lánh trong một thời gian. Ông bị Mỹ từ chối cấp thị thực vì vấn đề tôn giáo, bị cấm nhập cảnh Mỹ trong gần một thập kỷ.
Sau nhiều năm quay lưng, Mỹ trải thảm đỏ đón Thủ tướng Ấn Độ Modi ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 tại Indonesia năm 2020. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, trong 9 năm kể từ khi lệnh cấm đó được dỡ bỏ, ông Modi ngày càng được Mỹ chào đón nồng nhiệt.

Thủ tướng Ấn Độ sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đến Washington tuần này. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng, thương mại và công nghệ song phương, ca ngợi những “tình cảm gia đình và tình bạn thân thiết” đang gắn kết hai quốc gia.

Ông Modi sẽ chủ trì Ngày Yoga quốc tế (21/6) tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, thể hiện ảnh hưởng của quyền lực mềm Ấn Độ.

Sau đó, ông sẽ có bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ, một vinh dự thường dành cho các đồng minh gần gũi của Washington, và dự quốc yến mà Tổng thống Biden chủ trì, cho thấy Ấn Độ đã trở thành một đối tác chiến lược của Mỹ.

Tuy nhiên, dù các nghi lễ ngoại giao diễn ra trọng thể ở Washington, các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Modi sẽ là một phép thử đối với chính quyền Biden.

Đảng BJP của ông Modi đang bị các nghị sĩ đối lập và các nhóm nhân quyền chỉ trích là quá dân tộc chủ nghĩa và mạnh tay với những người bất đồng chính kiến. Vì thế, ông Biden, dù coi Ấn Độ là một đối tác quan trọng ở khu vực, cũng chịu áp lực phải nêu quan ngại khi đón ông Modi đến thăm.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Mỹ khó có thể nói mạnh vì vai trò ngày càng lớn của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như vai trò của cộng đồng 5 triệu người Ấn Độ ở Mỹ - một trong những nhóm nhập cư lớn nhất và lực lượng cử tri phát triển nhanh nhất ở xứ cờ hoa.

Daniel S. Markey, cố vấn cấp cao về Nam Á của Viện Hòa bình Mỹ (USIP), cho rằng Washington coi Ấn Độ là “một quốc gia dao động trong trật tự thế giới ngày càng được xác định bởi quan hệ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc”, vì thế các mối quan tâm nhân quyền phải “nhường chỗ” cho địa - chính trị.

“Theo quan điểm của tôi, mục tiêu của Nhà Trắng là nên phát triển mối quan hệ với Ấn Độ mà không cần cá nhân hóa mối quan hệ hoặc ủng hộ đường lối chính trị của ông Modi. Đó là một cây kim khó luồn”, Markey nói với CNN.

Đây là chuyến công du mới nhất trong hàng loạt chuyến đi của ông Modi trong những tuần gần đây, và Mỹ không phải là quốc gia duy nhất trải thảm đỏ đón nhà lãnh đạo Ấn Độ.

Sau nhiều năm quay lưng, Mỹ trải thảm đỏ đón Thủ tướng Ấn Độ Modi ảnh 2

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp năm 2021. (Ảnh: Bloomberg)

Tháng trước, Thủ tướng Úc Anthony Albanese đón Thủ tướng Modi đến thăm Sydney, ví ông như một ngôi sao nhạc rock và hết lời ca ngợi nhà lãnh đạo Ấn Độ. Trước đó, ông Modi đến Papua New Guinea, gặp Thủ tướng James Marape và cam kết ủng hộ các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng.

Trước đó, ông Modi gặp Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky bên lề thượng đỉnh G7 ở Ấn Độ.

Tại Washington trong tuần này, ông Modi và ông Biden dự kiến sẽ công bố một số thỏa thuận thương mại và quốc phòng. Mối bận tâm chung của họ về Trung Quốc sẽ là một ưu tiên quan trọng.

Tuy nhiên, dù trở nên ngày càng gần gũi với Mỹ, Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào Nga về vũ khí và khí tài. Đó là một trong những điều khiến Washington bận tâm nhất.

Thay vì cắt đứt quan hệ kinh tế với Điện Kremlin, Ấn Độ vẫn tăng cường mua dầu mỏ, than và phân bón của Nga, mang lại cho Mátxcơva nguồn tài chính quan trọng, trong bối cảnh lực lượng Nga đang tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine.

New Delhi cũng nhiều lần bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu lên án Nga tại Liên Hợp Quốc, giúp Nga giữ được sự ủng hộ ngoại giao quan trọng tại tổ chức đa phương lớn nhất thế giới.

Theo CNN
MỚI - NÓNG