Các phóng viên chờ tác nghiệp trong Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc tháng 10/2022. (Ảnh: Getty) |
Cuối tuần qua, New Delhi kêu gọi Trung Quốc tạo điều kiện cho các nhà báo Ấn Độ tiếp tục thường trú và đưa tin. Ba trong bốn nhà báo từ các cơ quan báo chí lớn của Ấn Độ thường trú ở Trung Quốc đã bị Bắc Kinh tịch thu giấy phép kể từ tháng 4, CNN dẫn nguồn tin nắm được tình hình cho biết.
Tuần trước, Bắc Kinh cho biết chỉ còn lại một nhà báo Trung Quốc đang ở Ấn Độ do việc “đối xử không công bằng và phân biệt (của Trung Quốc)” đối với các phóng viên, vì thế họ không được gia hạn visa.
“Phía Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng biện pháp đối phó tương xứng”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói tại cuộc họp báo thường kỳ để trả lời câu hỏi của Washington Post.
Ngày 5/6, Xinhua đăng câu chuyện của Hu Xiaoming, trưởng văn phòng đại diện hãng thông tấn này tại Delhi từ năm 2017, nói về “sự giày vò” mà các phóng viên Trung Quốc phải trải qua trong quá trình xin gia hạn visa ở Ấn Độ.
“Cách đối xử của Chính phủ Ấn Độ đã gây áp lực tâm lý rất lớn đối với các nhà báo Trung Quốc ở Ấn Độ”, Hu viết, đồng thời cho biết Chính phủ Ấn Độ đã từ chối gia hạn thị thực cho anh vào tháng 3 với lý do anh đã ở lại nước này quá lâu.
Vì vấn đề visa, văn phòng Xinhua tại New Delhi “giờ chỉ còn 1 người làm việc với visa hợp lệ”, bài báo viết.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ từ chối bình luận về số lượng nhà báo Trung Quốc đang làm việc ở nước này.
“Tất cả nhà báo nước ngoài, bao gồm các nhà báo Trung Quốc, đang thực hiện hoạt động đưa tin ở Ấn Độ mà không bị hạn chế hay gây khó khăn trong tác nghiệp”, người phát ngôn Arindam Bagchi nói.
Đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ từ chối xác nhận số lượng nhà báo Ấn Độ đã bị tước giấy phép ở Trung Quốc, nhưng nói rằng những nhà báo đó gặp khó khăn khi làm việc ở Trung Quốc.
Tháng 4 vừa qua, báo The Hindu đăng một bài viết nói rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã quyết định “đóng băng” visa của nhà báo Ananth Krishnan của báo này và nhà báo Anshuman Mishra của đài Prasar Barahti.
Quan hệ giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ngày càng xấu trong những năm gần đây, nhất là sau cuộc đụng độ chết người trên biên giới năm 2020.
Tháng 4 vừa qua, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc vi phạm các thỏa thuận biên giới hiện có và “gây xói mòn toàn bộ nền tảng” của quan hệ song phương.