Ngày 12/9, nước lũ trên sông Lô rút nhanh. Nhiều bãi bồi nơi có vườn cây ăn trái, ngô, khoai của người dân “trồi” lên khi nước rút. Nghe tin nước rút, anh Nguyễn Xuân Đoàn (quê Yên Bái) cùng vợ vội vượt hơn 80km sang để xem tình hình.
Nhìn vườn cây đang ở tuổi thu hoạch bạc trắng lá vì phù sa, anh bảo, rất khó để cứu chữa. “Ngập nửa ngày thì không sao, chứ ngập 2 – 3 ngày thì rất khó”, anh Đoàn nói.
Trong vườn cây, nhiều người làm của anh Đoàn tập trung múc từng xô nước để “tắm” cho cây chanh. “Bây giờ chỉ còn biện pháp gạt bùn ra khỏi gốc cây, sau đó rửa sạch lá để cây quang hợp. Sống sót được bao nhiêu thì biết từng đó, chứ cũng không thể nói trước được”, anh Đoàn chia sẻ thêm.
Ngoài khu vực vườn chanh rộng khoảng 10ha tại xã Cấp Tiến (Sơn Dương, Tuyên Quang), anh Đoàn còn có một vườn chanh 6 tuổi ở khu vực bãi sông Lô ở xã khác, nhưng cũng bị ngập nặng mấy ngày qua.
“Tính cả hai vườn, tôi đầu tư khoảng 11 tỷ đồng. Cây đang mùa thu hoạch, nên thiệt hại rất lớn”, anh Đoàn thông tin. Vào cao điểm cho trái, vườn cây của anh Đoàn thu được khoảng 300 tấn chanh.
“Vốn của nhà đầu tư với vay ngân hàng. Bây giờ tập trung cứu chữa cây đã chứ chưa biết thế nào. Xã cũng đã ra xem xét tình hình để họ báo lên Bộ NN&PTNT tổng hợp thiệt hại”, anh Đoàn nói, đồng thời mong muốn thời gian tới sẽ được hỗ trợ để giảm thiểu một phần chi phí.
Chiều 12/9, nước lũ sông Lô rút nhanh, khiến nhiều khu vực bãi bồi ven sông Lô xuất hiện trở lại sau nhiều ngày bị nhấn chìm. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng. |
Khu vực ven sông Lô có nhiều vườn trồng chanh với diện tích lớn, thiệt hại nặng sau mưa lũ. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng. |
Những vườn chanh đầu tư rất nhiều tiền bạc, công sức có nguy cơ bị thiệt hại nặng do ngập nước nhiều ngày. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng. |
Những người phụ nữ "tắm" cho cây chanh để làm sạch phù sa bám trên lá cây, giúp cây quang hợp, hy vọng cứu được cây tại vườn chanh của anh Nguyễn Xuân Đoàn. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng. |
Nhiều diện tích hoa màu ở bãi bồi sông Lô bị nước lũ "thổi bay", chỉ còn trơ lại bùn đất. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng. |