Sau khi Huawei hứng đòn, Trung Quốc nói sẵn sàng nối lại đàm phán với Mỹ

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải. (Ảnh: Reuters)
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải. (Ảnh: Reuters)
TPO - Bắc Kinh đã sẵn sàng nối lại đàm phán thương mại với Washington, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải vừa khẳng định, trong bối cảnh nhóm doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc cho biết một nửa thành viên của họ đang vấp phải các biện pháp trả đũa phi thuế quan.

Chưa có cuộc đàm phán thương mại nào giữa Mỹ và Trung Quốc được lên lịch sau khi sau vòng đàm phán gần đây nhất vào ngày 10/5 rơi vào bế tắc. Cũng trong ngày hôm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng mạnh thuế đánh lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và chuẩn bị tăng thuế lên phần hàng Trung Quốc còn lại.

Căng thẳng càng gia tăng sau khi Washington đưa hãng công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen, bước đi có thể trở thành cú đánh mạnh đối với các chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ và giới đầu tư.

Một doanh nghiệp công nghệ lớn khác của Trung Quốc là nhà chế tạo thiết bị giám sát Hikvision Digital Technology Co Ltd cũng có thể bị hạn chế mua công nghệ Mỹ, báo New York Times đưa tin.

Đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc đột ngột xấu đi từ đầu tháng 5, sau khi phía Trung Quốc tìm cách thay đổi đáng kể lời văn trong bản thảo thỏa thuận mà chính quyền Trump nói rằng hai bên đã nhất trí trước đó.

Nhưng trong cuộc trả lời phỏng vấn đài Fox News, Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói rằng Bắc Kinh vẫn sẵn sàng đối thoại.

“Trung Quốc vẫn sẵn sàng tiếp tục đối thoại với các đồng nghiệp Mỹ để đi đến kết luận. Cánh cửa của chúng tôi vẫn mở”, ông Thôi nói hôm 21/5.

Đại sứ Trung Quốc cũng đổ lỗi cho phía Trung Quốc thường xuyên “thay đổi suy nghĩ” về thỏa thuận dự kiến.

Ông Thôi nói rằng chính các nhà đàm phán Mỹ đã đột ngột quay lưng với một số thỏa thuận mà hai bên đã thống nhất trước đó.

“Điều khá rõ ràng là chính phía Mỹ đã hơn một lần thay đổi suy nghĩ đột ngột và phá vỡ thỏa thuận dự kiến mà hai bên đã đạt được. Chúng tôi vẫn cam kết với bất kỳ điều gì chúng tôi đã đồng ý, nhưng chính phía Mỹ thay đổi suy nghĩ quá thường xuyên”, ông Thôi nói.

Tháng 6/2018, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross có đợt đàm phán với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc về đề xuất của Trung Quốc rằng sẽ tăng mua hàng Mỹ thêm khoảng 70 tỷ USD. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump không chấp nhận đề xuất này, mà ông muốn tăng thuế lên hàng Trung Quốc.

Trong tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi người dân chuẩn bị cho “một cuộc Trường chinh mới”, khơi lại tinh thần yêu nước từ cuộc trường chinh vào năm 1934-1936 của các đảng viên Cộng sản đã chạy khỏi cuộc nội chiến đẫm máu về căn cứ ở vùng nông thôn xa xôi rồi tái hợp lực lượng và chiến đấu giành chính quyền vào năm 1949.

Ông Tập không gắn trực tiếp lời kêu gọi này với chiến tranh thương mại, nhưng các nhà phân tích thị trường tài chính diễn giải bài phát biểu này là dấu hiệu Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài với Washington.

Các doanh nghiệp Mỹ cho biết họ đang đối mặt với hành động trả đũa ở Trung Quốc.
Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc và một tổ chức chị em của họ ở Thượng Hải vừa dẫn kết quả khảo sát các thành viên về tác động của chính sách tăng thuế cho biết các doanh nghiệp đối mặt với nhiều rào cản hơn, như biện pháp tăng cường giám sát, quy trình thông quan và cấp phép chậm lại.

Phòng thương mại Mỹ cũng cho biết 40,7% doanh nghiệp Mỹ đang cân nhắc hoặc đã chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Về Huawei, ông Thôi Thiên Khải nói rằng việc Mỹ hạn chế doanh nghiệp này là “không có cơ sở và bằng chứng nào”, và có thể làm suy yếu vận hành bình thường của các trị trường.

“Ai cũng biết Huawei là một doanh nghiệp sở hữu tư nhân. Đó chỉ là một công ty tư nhân Trung Quốc bình thường. Nên mọi hành động chống lại Huawei đều mang động cơ chính trị”, ông Cui nói.

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG