Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Ả-rập Xê-út. (Ảnh: SPA) |
Các thỏa thuận song phương được ký trong nhiều lĩnh vực, bao gồm năng lượng xanh, hydrogen xanh, quang điện, công nghệ thông tin, dịch vụ đám mây, giao thông vận tải, hậu cần, dược phẩm, và xây dựng.
Bộ trưởng Đầu tư Ả-rập Xê-út Eng. Al-Falih khẳng định các thỏa thuận này cho thấy mong muốn của Vương quốc trong việc phát triển quan hệ trên tất cả các lĩnh vực với Trung Quốc.
Ông Eng. Al-Falih khẳng định chuyến thăm cho thấy lãnh đạo hai bên mong muốn phát triển và tăng cường quan hệ đối tác song phương trên mọi lĩnh vực, bao gồm kinh tế và đầu tư.
Ông khẳng định Ả-rập Xê-út và Trung Quốc có quan hệ vững chắc và gần gũi, đã chứng kiến những bước phát triển toàn diện trong các năm qua, nhất là các chuyến song phương giữa lãnh đạo hai nước, mang lại trái ngọt trong nhiều lĩnh vực, SPA đưa tin.
Giá trị của các thỏa thuận không được công bố, nhưng tin của SPA trước đó nói rằng hai bên định ký 20 thỏa thuận sơ bộ với tổng trị giá 29,26 tỷ USD.
Trong chuyến thăm đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa Trung Quốc với khu vực, ông Tập có cuộc gặp Hoàng Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman và các lãnh đạo Ả-rập khác.
Thông tin chi tiết về các thỏa thuận năng lượng chưa được công bố. Ả-rập Xê-út là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, còn Trung Quốc là khách hàng lớn nhất. Tuy nhiên, cả hai bên đều đang cố gắng đa dạng hóa nguồn năng lượng.
Ả-rập Xê-út đang xây dựng cơ sở hydrogen xanh quy mô lớn ở Neom, một thành phố bên bờ Biển Đỏ. Hydrogen xanh được coi là loại nhiên liệu quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, được tạo ra từ năng lượng gió và mặt trời.
Chuyến thăm của ông Tập diễn ra 2 tháng sau khi Ả-rập Xê-út khiến Mỹ nổi giận với quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ của OPEC+ và khẳng định mình có khả năng đối phó với sức ép từ Washington. Trung Quốc hoan nghênh quan điểm này.
Hai quốc gia sẽ tăng cường phối hợp tại Liên Hợp Quốc, G20 và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ông Tập viết trong bài xã luận đăng trên báo Ả-rập Xê-út Al Riyadh.
“Điều này phù hợp cho cả Riyadh và Bắc Kinh để nhấn mạnh rằng họ có những lựa chọn khác ngoài Mỹ, hoặc còn những đối tác quan trọng khác trên vũ đài thế giới chứ không chỉ phương Tây”, Raffaello Pantucci, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang Singapore, đánh giá.
Ông Pantucci cho rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ với khu vực cho thấy Bắc Kinh đang thể hiện rằng “một trật tự thế giới khác” có thể tồn tại.