Sau chiến tranh, Việt Nam có thương hiệu gì?

Xây dựng thương hiệu quốc gia cũng là một trong những đòi hỏi bức thiết (du khách nước ngoài đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Ảnh: Như Ý.
Xây dựng thương hiệu quốc gia cũng là một trong những đòi hỏi bức thiết (du khách nước ngoài đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Ảnh: Như Ý.
TP - Chị Daria Mishukova (ảnh) mạnh dạn đặt câu hỏi về thương hiệu Việt Nam, tại hội thảo quốc tế Việt Nam học chiều 15/12. PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với Nhà Việt Nam học người Nga này xung quanh quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia những năm qua ở Việt Nam.

Nhiều đại biểu tại tiểu ban Văn hóa rất quan tâm đến câu hỏi về thương hiệu quốc gia Việt Nam của chị, chị có thể nói cụ thể hơn về điều này?

Nói đến thương hiệu có rất nhiều khái niệm như thương hiệu hàng hóa, thương hiệu cá nhân. Chẳng hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống Nga Putin, hay Tổng thống đắc cử Mỹ Trump là những người có thương hiệu cá nhân rất mạnh. Nhắc tới thương hiệu quốc gia, Việt Nam có gì? Chúng ta nhận được nhiều câu trả lời khác nhau, trong đó nhiều người nói phở. Phở là một món mì mà nhiều nước châu Á đều có mì, nếu đặt cạnh nhau khó phân biệt được đâu là phở Việt Nam, không thể nhận diện rõ ràng như pizza của Ý hay sushi của Nhật Bản.

Là người nghiên cứu Việt Nam từ năm 1995 đến nay, chị đánh giá thế nào về quá trình xây dựng thương hiệu Việt Nam?

Việt Nam thế kỷ 20 có thương hiệu rất mạnh, đó là chiến tranh. Nhiều người trên thế giới đều biết vì được truyền thông rất mạnh. Nhưng giờ là những năm cuối của thập niên 20 của thế kỷ 21, thương hiệu đó không còn phù hợp cho một đất nước hiện đại và hội nhập. Có một nghịch lý là từ 30 năm qua Việt Nam luôn trong Top 3 quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê và hạt tiêu, tuy nhiên rất ít người biết điều này. Mặc dù một số thương hiệu cà phê Việt Nam được biết đến rộng rãi tại Việt Nam và được biết một chút ở một số nước, nhưng cũng không thể nhìn vào đó để nhận diện thành thương hiệu quốc gia bởi nhắc cà phê người ta nghĩ tới Brazil, sô cô la nghĩ tới Bỉ hay đồng hồ là Thụy Sĩ. Đó là một điều thật buồn khi 30 năm qua Việt Nam vẫn chưa xác định được thương hiệu quốc gia từ sản phẩm hàng đầu ngành xuất khẩu Việt Nam.

Sau chiến tranh, Việt Nam có thương hiệu gì? ảnh 1

Chị Daria Mishukova.

Chị có cho rằng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu cá nhân dễ hơn thương hiệu quốc gia? Chị có gợi ý nào cho hành trình tìm thương hiệu của Việt Nam?

Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 diễn ra hai ngày 15 và 16/12 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, do Đại học Quốc gia Hà Nội làm đầu mối tổ chức. Hội thảo bốn năm một lần, tập trung sáu nhóm lĩnh vực: Ngoại giao hợp tác và hội nhập quốc tế, nguồn lực văn hóa, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao tri thức và công nghệ, kinh tế và sinh kế, biến đổi khí hậu.

Thương hiệu mạnh nhất của Nhật Bản là chất lượng, nhắc đến Mỹ là giấc mơ Mỹ. Nếu cần một chữ duy nhất để nói đến Việt Nam sẽ là gì? Việt Nam chưa tìm ra biểu tượng rõ ràng để gửi thông điệp đến thế giới như các quốc gia nêu trên. Thương hiệu không phải biểu tượng duy nhất, đó là cái nhìn. Cái gì nói đi nói lại nhiều lần sẽ có hiệu quả.Nếu hôm nay nói A, ngày mai nói B, ngày kia nói C thì mình chỉ nhận được món sa lát trộn mà thôi. Xây dựng thương hiệu là con đường lâu dài, không phải do một người làm, cần sự trao đổi của các nhà lãnh đạo cấp cao với các chuyên gia. Tôi cũng muốn nhấn mạnh vai trò của các nhà Việt Nam học, nhất là các góc nhìn của các chuyên gia nước ngoài am hiểu về Việt Nam.

Trong phần phát biểu, chị nhắc đến trách nhiệm cá nhân của các nhà Việt Nam học trong việc quảng bá các giá trị của Việt Nam. Cụ thể hơn, họ có thể làm gì?

Đúng vậy, tôi cho rằng ngành Việt Nam học không nên chỉ chú trọng nghiên cứu chuyên ngành dành cho ít người sử dụng trong cộng đồng khoa học. Các nhà Việt Nam học cũng nên tự thấy trách nhiệm cá nhân tạo ra hệ thống các bài viết, chia sẻ kiến thức chất lượng và chuyên nghiệp với bạn đọc quốc tế. Chẳng hạn tôi từng có nhiều bài viết cho tạp chí hàng không của Nga mỗi năm in khoảng hơn 1 triệu cuốn, như vậy có thêm rất nhiều người biết những thông tin thú vị về đất nước Việt Nam có nền văn hóa đa dạng, lịch sử lâu dài.

Tôi rất quan tâm tới xây dựng thương hiệu, đang phát triển ấn phẩm chuyên về kinh doanh và du lịch. Tạp chí này có nội dung phong phú về tám quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam, thông tin được cập nhật nội dung trên website bằng hai ngôn ngữ Anh, Nga. Điều làm tôi vui nhất là chuyên gia du lịch Nga sử dụng thông tin của tôi để thuyết minh trong các tua du lịch dành cho khách Nga đến Việt Nam, bởi nguồn thông tin phong phú, chất lượng. Tôi cũng biết nhiều người làm du lịch Việt Nam cũng tham khảo thông tin trên website Business-leisure.ru này. Nên vào chuyên mục “Interesting” bằng tiếng Nga để tham khảo thông tin vô cùng thú vị về Việt Nam, kể cả người đầu ngành Việt Nam học người Nga đánh giá rất hữu ích và chất lượng. Tôi vẫn cho rằng các nhà Việt Nam học là những người có kiến thức, thông tin chất lượng đảm bảo để lan tỏa giá trị Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Cảm ơn chị!

Tranh cãi về phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa

Một trong những mối quan tâm của các đại biểu là thách thức bảo tồn di sản trong bối cảnh hiện nay. Daria Mishukova cho rằng bảo tồn di sản không liên quan đến phát triển du lịch, trong khi các chuyên gia Việt Nam có quan điểm trái ngược. GS-TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng hai lĩnh vực này không thể tách rời. “Nếu phát triển du lịch bằng mọi giá thì người ta vứt rác bừa bãi, dán tiền lên tượng Phật”, GS Tung nói. Ông cho rằng, du lịch phải phát triển bền vững đi đôi với bảo tồn, tôn tạo giá trị di sản. Daria nghĩ khác, với chị bảo tồn là chuyện trước khi mở cửa đón khách, còn khi khách đến rồi thì không thể thay đổi được. Tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, người có nhiều kinh nghiệm bảo tồn di sản ở TPHCM, cho rằng, đương nhiên không thể bảo tồn nguyên trạng, nhưng cũng không thể vì phát triển mà vứt hết di sản.

MỚI - NÓNG