Bộ Y tế vừa gửi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan Dự thảo Luật BHYT sửa đổi (dự thảo lần 1), một trong những sửa đổi đáng chú ý của Dự luật là đề xuất thêm hình thức BHYT bổ sung (tự nguyện), sau khi đã tham gia BHYT cơ bản.
Khi có đủ điều kiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng và trình Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội triển khai thực hiện các gói sản phẩm BHYT bổ sung, với sự tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại. Mức đóng - hưởng BHYT bổ sung theo hợp đồng giữa người tham gia và cơ quan/doanh nghiệp thực hiện. Quỹ BHYT bổ sung tự chủ hoàn toàn về tài chính, độc lập với Quỹ BHYT cơ bản.
Trường hợp có số thu lớn hơn số chi trong năm tài chính, Quỹ BHYT bổ sung dành 30% số kết dư để hỗ trợ mua bổ sung BHYT cho các đối tượng chính sách, khó khăn; trường thâm hụt, Quỹ BHYT tự điều chỉnh mức đóng, mức hưởng.
Về mã số BHYT, Dự luật đề xuất, mã gồm ký tự chữ (xác định quyền lợi hưởng) và số sẽ định danh cá nhân tham gia, trong đó các số cuối là duy nhất với mỗi người, liên thông hoặc sử dụng cùng mã định danh cá nhân, số căn cước công dân, mã số Bảo hiểm xã hội, không thay đổi với mỗi người.
Mã số BHYT được tích hợp liên thông với cơ sở sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Với quy định này, dự luật bỏ quy định liên quan tới cấp lại, đổi, thu hồi thẻ BHYT, các thay đổi nếu có sẽ được cập nhật trên cơ sở dữ liệu điện tử và thông báo cho người tham gia.
Sẽ có nhiều thay đổi về bảo hiểm y tế thời gian tới khi quá trình sửa luật đang được tiến hành. |
Đặc biệt, Bộ Y tế đề xuất lập Hội đồng quốc gia về BHYT (điều 8) do Chính phủ thành lập, trong đó bộ trưởng Bộ Y tế làm phó chủ tịch thường trực, chủ tịch hội đồng này do Thủ tướng quyết định. Nếu được thông qua, hội đồng này có thể tồn tại song song với Hội đồng quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội đang có (hiện quản lý cả Bảo hiểm xã hội, BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp).
Hội đồng quốc gia về BHYT có chức năng tư vấn cho Chính phủ và các cơ quan liên quan trong hoạch định chính sách, pháp luật về BHYT, đề xuất mức đóng - hưởng BHYT; tư vấn về chính sách giá dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, hóa chất, vật tư y tế do Quỹ BHYT thanh toán; tư vấn giải quyết những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện pháp luật về BHYT...
Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, từ năm 2016 tới nay, cơ bản số chi BHYT luôn cao hơn số thu trong năm và phải sử dụng quỹ dự phòng để bù (trừ năm 2020, 2021 mức chi quý giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên người dân giảm khám chữa bệnh). Gần nhất, năm 2020 tổng chi BHYT vượt thu hơn 1.000 tỷ đồng (thu 108.000 tỷ đồng, chi hơn 109.000 tỷ đồng).
Trong quý 1/2022, cả nước có hơn 85,4 triệu người tham gia BHYT (bao phủ trên 87,5% dân số), tổng thu 9.600 tỷ đồng, cùng thời gian có hơn 10,7 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, quỹ chi trên 6.100 tỷ đồng.
Dự kiến số dư dự phòng Quỹ BHYT đến cuối năm 2020 trên 32.900 tỷ đồng.
BHXH Việt Nam đánh giá, thời gian qua, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT còn diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, chưa được ngăn chặn kịp thời. Trong khi đó, việc quản lý sử dụng Quỹ BHYT còn nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách, như cơ chế tự chủ của các bệnh viện công; quy định xã hội hóa, hợp tác công - tư trong bệnh viện công; chưa có quy chuẩn để đánh giá tính hợp lý của việc chỉ định thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật trong khám chữa bệnh...