Cần sớm sửa luật để tăng tính hấp dẫn cho BHXH, BHYT

0:00 / 0:00
0:00
Các quỹ BHXH, BHYT ngày càng khẳng định vai trò trụ cột của hệ thống an sinh, hỗ trợ người dân mỗi khi gặp rủi ro trong cuộc sống, chăm lo khi hết tuổi lao động. Ảnh người lao động nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN.
Các quỹ BHXH, BHYT ngày càng khẳng định vai trò trụ cột của hệ thống an sinh, hỗ trợ người dân mỗi khi gặp rủi ro trong cuộc sống, chăm lo khi hết tuổi lao động. Ảnh người lao động nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN.
Các Đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) của Chính phủ, các bộ liên quan và ngành BHXH Việt Nam thời gian qua. Đồng thời, các đại biểu kiến nghị nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách BHXH, BHTN, BHYT trong thời gian tới, sớm đạt mục tiêu BHXH toàn dân.

Sớm trình Quốc hội các dự luật

Quốc hội vừa thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH và Quỹ BHYT năm 2020, thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân năm 2019-2020.

Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho rằng, để triển khai thực hiện chế độ, chính sách về BHXH ngoài Luật BHXH, còn đồng bộ với các luật liên quan như Luật An toàn, vệ sinh lao động (hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp); Luật Việc làm (bảo hiểm thất nghiệp) và Bộ luật Lao động.

Đại biểu Hiền đề nghị sửa các quy định để Chính phủ linh hoạt hơn trong điều hành, điều chỉnh mức đóng bảo hiểm theo thực tế từng quỹ, như hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19.

“Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương trình Quốc hội dự án Luật BHXH (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về cải cách chính sách BHXH, đáp ứng với tình hình mới. Phát huy hơn nữa vai trò của BHXH là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội”, đại biểu Hiền đề nghị.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hoà Bình) nhìn nhận, năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Vì vậy, cần phân tích, đánh giá đầy đủ những nguyên nhân để đưa ra những giải pháp cụ thể, đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển người tham gia BHXH bắt buộc thời gian tới.

Cũng theo đại biểu Ngọc, còn nhiều đơn vị vi phạm khi trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT, ảnh hưởng quyền lợi người lao động. Chính phủ cần có sự phân tích, đánh giá và ban hành những chế tài nghiêm khắc, để triển khai thực hiện tốt hơn việc đóng BHXH.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đề xuất, góp ý sửa đổi pháp luật liên quan, đặc biệt Luật BHXH, Luật BHYT, từ đó khuyến khích người dân tham gia các loại hình bảo hiểm. Trong đó, các đại biểu góp ý cần tập trung sửa đổi, bổ sung quy định để giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH, giảm tỷ lệ hưởng BHXH một lần; điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu; bổ sung quy định để đầu tư kết dư Quỹ BHXH hiệu quả; xử lý nghiêm lạm dụng, trục lợi, vi phạm chính sách BHXH, BHYT...

Giảm năm đóng BHXH để có lương hưu

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, Quốc hội lần đầu tiên thảo luận trực tiếp về vấn đề BHXH, cho thấy đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến chính sách an sinh xã hội. Theo ông Dung, chính sách BHXH bắt đầu triển khai từ năm 1995, song đến nay đã có bước phát triển tương đối nhanh, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và “cơ bản đáp ứng và phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Đến nay, Quỹ BHXH là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước có quy mô lớn nhất, năm 1998 lần đầu quỹ kết dư 7.500 tỷ đồng, đến hết năm 2020, quy mô đầu tư quỹ của chúng ta đã tăng gấp 120 lần, kết dư gần 1 triệu tỷ đồng. Các quỹ bảo hiểm ngắn hạn cơ bản đáp ứng các mục tiêu chính sách và kết dư tương đối an toàn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch COVID-19, các quỹ BHXH đã hỗ trợ người lao động, người sử dụng tổng số tiền trên 50.000 tỷ đồng, trong đó 30.000 tỷ đồng hỗ trợ bằng tiền, hơn 20.000 tỷ đồng từ việc miễn, giảm, gia hạn thời gian đóng bảo hiểm.

“Kết quả đó đã thực sự đem lại những hiệu quả thiết thực và nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người tham gia BHXH. BHXH từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội, góp phần nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho người lao động”, ông Dung nói.

Tiếp thu những đóng góp của các đại biểu, thời gian tới ông Dung cho biết, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các cơ quan sẽ tập trung, khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi một cách căn cơ Luật BHXH, Luật Việc làm.

Trong đó, sẽ quy định liên quan tới phát triển hệ thống BHXH đa tầng; giảm thời gian giảm đóng BHXH để hưởng lương hưu mức tối thiểu 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm; điều chỉnh chính sách hưởng BHXH một lần; xây dựng chính sách hấp dẫn người lao động tham gia BHXH...

Bên cạnh đó, sẽ tập trung quản lý, sử dụng các quỹ bảo hiểm ngắn hạn đúng mục đích, tăng quyền lợi cho người lao động; nghiên cứu điều chỉnh, phát huy kết dư trong hỗ trợ thúc đẩy thị trường lao động; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới khâu tổ chức thực hiện....

Báo cáo giải trình, tiếp thu một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan tới BHYT, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Tới đây, Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng Luật BHYT sửa đổi, trong đó có những chính sách để tăng bao phủ BHYT; mở rộng quyền lợi với người tham gia BHYT; quản lý, sử dụng Quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả và công khai, minh bạch; đa dạng mức đóng BHYT...

MỚI - NÓNG