Sửa luật, đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm y tế

TPO - Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi đang lấy ý kiến theo hướng bỏ chia nhiều bậc trong mức đóng BHYT hộ gia đình, chỉ để lại 2 mức đóng và tăng so với luật hiện hành. Bên cạnh đó cũng mở rộng quyền lợi được BHYT thanh toán.

Bộ Y tế vừa gửi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan Dự thảo Luật BHYT sửa đổi (dự thảo lần 1).

Dự luật vẫn cơ bản giữ nguyên mức đóng BHYT tối đa bằng 6% mức lương như hiện hành, nhưng điều chỉnh mức đóng BHYT hộ gia đình. Cụ thể, mức đóng BHYT hộ gia đình với người thứ nhất tối đa bằng 6% mức lương cơ sở, từ người thứ hai trở đi bằng 80% mức đóng của người thứ nhất.

Trong khi theo quy định của luật hiện hành, với nhóm tham gia BHYT hộ gia đình, mức đóng người thứ nhất tối đa bằng 6% lương cơ sở (theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng cụ thể áp dụng hiện là 4,5% lương cơ sở), nhưng từ người 2 thứ trở đi giảm dần. Cụ thể, người thứ 2 đóng BHYT bằng 70% mức đóng của người thứ nhất, người thứ 3 đóng bằng 60%, người thứ 4 đóng bằng 50%, và từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% của người thứ nhất.

Nếu quy định trên được thông qua, mức đóng BHYT hộ gia đình với người thứ nhất vẫn không đổi, nhưng người thứ 2 sẽ tăng thêm 10%, người thứ 3, 4 và 5 trở đi tăng lần lượt 20%, 30% và 40% mức đóng so với hiện hành.

Sửa luật, đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm y tế ảnh 1

Đề xuất tăng mức đóng với BHYT hộ gia đình. Ảnh minh họa.

Về mức hưởng, ban soạn thảo dự luật đề xuất giảm mức hưởng chi trả BHYT của một số nhóm đối tượng từ 100% hiện hành xuống 95% (điều 27), gồm: Người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ dưới 6 tuổi; người nhận trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người từ đủ 80 tuổi trở lên; hộ nghèo; người dân tộc thiểu số sống tại vùng khó khăn; người sống tại khu vực đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo; thân nhân của người có công…

Về quyền lợi, Dự luật bổ sung thêm một số dịch vụ khám chữa bệnh được BHYT chi trả, như: Điều trị dự phòng bệnh tật; dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng; khám thai định kỳ; sàng lọc trước và sau sinh, bệnh lây truyền từ mẹ sang con; sàng lọc, chẩn đoán sớm bệnh mạn tính; khám sức khỏe định kỳ; khám bệnh, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, người khuyết tật nặng; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em sinh non, trẻ suy dinh dưỡng nặng...

Mức lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng/tháng, theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng BHYT hộ gia đình với người thứ nhất bằng 4,5% lương cơ sở, tương ứng đóng 67,05 nghìn đồng/tháng (hơn 804 nghìn đồng/năm);

Người thứ 2 còn hơn 46,9 nghìn đồng/tháng (hơn 563 nghìn đồng/năm, tức bằng 70% mức đóng người thứ nhất);

Người thứ 3 đóng 40,23 nghìn đồng/tháng (hơn 482 nghìn đồng/năm, bằng 60% người thứ nhất);

Người thứ 4 đóng hơn 33,5 nghìn đồng/tháng (hơn 402 nghìn đồng/năm, bằng 50% người thứ nhất);

Người thứ 5 trở đi chỉ còn đóng 26,82 nghìn đồng/người/tháng (hơn 321 nghìn đồng/năm, bằng 40% người thứ nhất).

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.