Theo đó, cùng với đánh giá những mặt được, hạn chế, nguyên nhân của công tác cho lo người có công với cách mạng thời gian qua, Ban Bí thư yêu cầu: Các cấp, ngành xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Đặc biệt, nghiên cứu, ban hành Pháp lệnh thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành. Nghiên cứu, thực hiện chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công với cách mạng, làm nhiệm vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng Việt Nam đang định cư ở nước ngoài.
Nghiên cứu, thực hiện chính với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Có chính sách với người tham gia kháng chiến trong giai đoạn 1974 - 1975 nhưng chưa đủ thời gian được cấp Huy chương.
Ðẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Thực hiện tốt công tác thanh kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công.
Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng; 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình nơi cư trú.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ.
Kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng…