Sáng tạo từ bẹ chuối chinh phục xứ sở kim chi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo, chàng trai dân tộc Thái- Vi Dương Phong đã biến bẹ chuối thành sợi để dệt nên những tấm thổ cẩm hoa văn họa tiết đa sắc màu. Ý tưởng sáng tạo đã xuất sắc giành giải vàng ở xứ sở kim chi Hàn Quốc.

Ảnh hưởng bà ngoại

Vi Dương Phong sinh ra và lớn lên ở xã miền núi Tam Quang (huyện Tương Dương, Nghệ An). Cậu hiện học lớp 12 Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An. Mang sản phẩm thổ cẩm dệt thủ công từ sợi chuối sang Hàn Quốc dự thi Olympic Phát minh và Sáng chế khoa học quốc tế 2023, cũng là lần đầu tiên Phong được trải nghiệm đi máy bay và ra nước ngoài.

Phong từ nhỏ đã được tiếp xúc trang phục, đồ dùng cá nhân, vật dụng trong nhà nổi bật màu sắc, hoa văn họa tiết thổ cẩm. Đặc biệt, bà ngoại của cậu còn phụ trách câu lạc bộ làm thủ công đồ thổ cẩm, với hơn chục thành viên là những người cao tuổi ở địa phương.

Sáng tạo từ bẹ chuối chinh phục xứ sở kim chi ảnh 1

Vi Dương Phong (ngoài cùng bên trái) tại cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế khoa học quốc tế 2023 Ảnh: NVCC

“Vật dụng gắn với em nhiều nhất là chiếc áo thổ cẩm do bà làm. Nhiều năm nay em vẫn mặc vào những dịp lễ tết, thứ 2 hàng tuần tham gia lễ chào cờ ở trường. Em luôn tự nhủ là một người trẻ cần trách nhiệm gìn giữ, phát triển bản sắc dân tộc của mình và đây cũng là cách trân trọng kỷ niệm của tuổi thơ bên bà”, Phong nói.

Hơn một tuần diễn ra cuộc thi ở Seoul (Hàn Quốc), Phong tự tin giới thiệu những chiếc túi, ví, đệm ngồi... thổ cẩm làm từ bẹ chuối khiến nhiều đại biểu, thí sinh quốc tế không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên. Họ hào hứng chụp ảnh với những sản phẩm mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây xứ Nghệ, đồng thời có ý nghĩa bảo vệ môi trường. Dự án của Phong đã chinh phục được các thành viên ban giám khảo cuộc thi, giành Huy chương Vàng và giải Đặc biệt.

“Thời gian tới, em ưu tiên việc học tập để hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và đỗ đại học. Trong thời gian này, nếu có người phát triển được sản phẩm thổ cẩm từ sợi chuối thì rất mừng. Mong muốn lớn nhất của em là tăng giá trị sử dụng cho cây chuối cũng như nhiều loại cây nông nghiệp”, Vi Dương Phong, học sinh lớp 12 Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An, nói.

“Em đã vỡ òa hạnh phúc trong khoảnh khắc tên của các thành viên trong nhóm được xướng lên trong lễ trao giải. Song em vẫn có phần tiếc vì không có dịp mặc trang phục truyền thống của dân tộc Thái, do phải tuân thủ quy định trang phục theo đoàn của Ban tổ chức”, Phong chia sẻ.

Ước mơ trở thành bác sĩ

Vi Dương Phong có ý tưởng biến bẹ chuối thành sợi dệt thổ cẩm năm học lớp 10. Trong giờ môn Hóa học, cô giáo nhắc đến loại sợi có nguồn gốc thiên nhiên, cậu đã liên tưởng đến việc bà ngoại tách sợi chuối làm một số vật dụng. Qua tìm hiểu tài liệu, cùng sự hướng dẫn của cô giáo và kinh nghiệm của bà ngoại, Phong bắt tay thực hiện ý tưởng của mình với những thân cây chuối trong vườn nhà. Đồng hành, trợ giúp Phong có bạn cùng lớp Lê Du Pa.

Cậu cho biết, bẹ chuối được tách, chẻ nhỏ, đun sôi với dung dịch NaOH (còn gọi là xút) theo tỉ lệ nhất định, sợi thu được mang phơi khô. “Ban đầu, em sử dụng vôi sống để đun sôi tách sợi, nhưng sau sử dụng dung dịch NaOH thì sợi thu được chắc, mềm hơn. Sợi thu được cần đảm bảo chiều dài ít nhất 35-40cm, dày ngang sợi chỉ và chắc để khi dệt không bị đứt đoạn. Sợi chuối có ưu điểm thấm hút cao, mỏng, co giãn tốt nhưng hạn chế là xơ, vì vậy em đã kết hợp sợi chuối với sợi bông để tăng độ bền chắc”, Phong nói.

Để nhuộm màu cho sợi, Phong sử dụng nguyên liệu tự nhiên theo phương pháp thủ công ở địa phương. Màu đỏ cậu sử dụng rễ và hoa cây phượng, màu vàng từ củ nghệ, màu tím của hoa và lá đậu biếc. Sợi thành phẩm sẽ được dệt nên những tấm thổ cẩm, từ đó tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh như túi, ví, vỏ bọc ghế, vỏ gối, ga trải giường...

“Từ lúc xây dựng ý tưởng đến khi làm ra sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên là chiếc túi, phải mất gần 1 năm. Sản phẩm của em được các bà, các mẹ ở làng nghề dệt thổ cẩm của đồng báo Thái ở địa phương đánh giá cao về độ bền. Sản phẩm đã được kiểm định bởi Viện Kiểm nghiệm và kiểm định chất lượng VNTEST”, Phong nói và cho hay, năm 2023, sản phẩm thổ cẩm làm từ bẹ chuối đã giành được giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT tỉnh Nghệ An.

Hiện sản phẩm mới chỉ được triển khai sản xuất trên địa bàn, chưa phổ biến rộng rãi. Phong mong muốn trong tương lai gần sản phẩm được đầu tư bài bản để phát triển theo hướng quy mô hơn. Ước mơ của cậu học trò dân tộc Thái là thi đỗ trường Y và trở thành bác sĩ, quay trở về cống hiến cho quê hương, chăm sóc sức khỏe của người dân ở các bản làng vùng cao miền Tây xứ Nghệ.

Với thành tích xuất sắc trong nghiên cứu sáng tạo và học tập, Vi Dương Phong vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X, năm 2023.

MỚI - NÓNG