"Sang sông" suýt đắm đò

"Sang sông" suýt đắm đò
TP - Một tuần Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc lần thứ nhất với 14 vở vừa khép lại, theo nhà phê bình sân khấu- T.S Nguyễn Thị Minh Thái, cho thấy sân khấu đang ở đâu và do đó có “thành công” nhất định.

Liên hoan sân khấu thử nghiệm (LHSKTN) kết thúc mà xem ra khái niệm sân khấu thử nghiệm vẫn còn mơ hồ với nhiều người, thưa chị?

Về chữ thử, có đến năm nghĩa trong từ điển tiếng Việt, mà cả ba liên hoan (hai LHSKTN quốc tế và LHSKTN toàn quốc vừa qua), đã chỉ dùng nghĩa thứ nhất: xét xem có đúng cách thức, có dùng được không.

Về chữ nghiệm, có đến ba nghĩa: 1. Bằng chứng có thể tin được. Có kinh nghiệm. 2. Có công hiệu. Có hiệu quả. Thuốc hiệu nghiệm chữa khỏi bệnh. 3. Xem xét. Nghiệm xét việc đời.

Trong sân khấu có thể dùng cả ba nghĩa của chữ “nghiệm”. Có thể hiểu, sân khấu thử nghiệm là: vở diễn được làm thử (mới lạ) về mọi phương diện, có kết quả nhãn tiền, được bạn nghề chấp nhận và sau đó, công chúng tiếp nhận.

Trên tinh thần này mà xét, và bằng vào thực tiễn của hai liên hoan trước đã minh chứng: có những thử nghiệm hay và có thử nghiệm còn dở dang, sống sít. Thực ra, thử nghiệm thuộc về bản chất sáng tạo hằng xuyên của sân khấu.

Sân khấu tìm tòi “lạ hóa” luôn là nhu cầu, nhằm đưa đến người xem những vở diễn ngoạn mục. Sân khấu hôm nay đang tụt hậu, bế tắc, thì một cuộc liên hoan thử nghiệm thế này, có khi chỉ là niềm vui thoáng chốc, thậm chí hơi xa xỉ, và vẫn chỉ nằm trong giải pháp tình thế. Khó có thể tin được những vở thử nghiệm theo kiểu ấy có thể sống sót sau liên hoan.

"Sang sông" suýt đắm đò ảnh 1
T.S Nguyễn Thị Minh Thái

Trước thềm liên hoan, NSND Doãn Hoàng Giang - Trưởng ban giám khảo, tuyên bố: “Chấp nhận cả sáng tạo gây khó chịu”. Phải chăng Đến bờ  bên kia- lấy tứ kịch từ truyện ngắn Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp, do chính anh Thiệp chuyển thể kịch bản, thuộc loại thử nghiệm gây khó chịu?

Vở diễn ấy không chỉ gây khó chịu mà gây sự khó hiểu, mù mờ cho người xem. Đọc Sang sông truyện ngắn, thấy truyện hay, với thông điệp hay. Nhưng khi xem vở diễn chuyển thể, với sự can thiệp làm mới của đạo diễn thì ngôn ngữ dàn dựng bị rối loạn.

Vở diễn như một cuộc “lỡ bước sang ngang”, đã cập bến cụ thể mà lỡ bến thử nghiệm, vì chứa quá nhiều triết lý vụn, chưa đạt đến một hình tượng vở diễn sân khấu.

Vậy nên, người đọc vẫn cứ nhớ Sang sông đến mức gọi luôn tên vở diễn bằng tên truyện ngắn, mà không chịu cái cách chuyển ngôn ngữ của đạo diễn, có lẽ vì vở nhiều thử nghiệm vặt, và chưa kết  hợp nhuần nhị giữa hình thể và lời kịch.

Trò diễn nhiều khi đứng ngoài lời kịch. Có những chỗ lời của Nguyễn Huy Thiệp đã “trắng phớ”, mà đạo diễn vẫn ham xử lý bí hiểm bằng động tác hình thể mà làm gì? 

Và nếu ngôn ngữ hình thể không được sử dụng đắc địa, lại có nguy cơ lạm phát như liên hoan lần này, thì vở diễn sẽ rơi vào tình trạng minh họa, kiểu “vẽ rắn thêm chân” mà thôi.

Có người bảo kịch bản không hay, nhưng đạo diễn lắm trò hay, tôi nghĩ khác. Trò hay trên tinh thần thử nghiệm phải là trò diễn mà lời kịch (là của cái đọc) không thể đạt đến trên sân khấu (là của cái diễn), chứ không phải là cái thêm cho điều mà người đọc đã biết, khi đọc trên  văn bản kịch! Nếu chỉ thích trò thì đi xem xiếc có phải hơn không?!

Thế còn Trong hào quang bóng tối, kịch bản Tây Ban Nha khá tốt, có ba diễn viên đoạt giải diễn xuất, nhưng có thấy bóng dáng thử nghiệm đâu?

Vở này của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TPHCM 5B Võ Văn Tần, một đoàn xuất thân nhà nước. Có thử nghiệm nhưng là loại thử nghiệm chỉ mình mình biết. Đạo diễn muốn có cái cho khán giả “xem hiểu ngay” nên đã vô tình làm nghèo đi nội dung tư tưởng của kịch bản.

Không ngẫu nhiên mà tác giả kịch bản cố tình viết về 4-5 nhân vật mù cộng với 1 nhân vật sáng mắt- đặt bi kịch của người mù đặt cạnh người sáng mắt, và thách thức sự thể hiện bằng ngôn ngữ dàn dựng và biểu diễn.

Với người mù, lại sáng lòng, khao khát ánh sáng, và người sáng mắt nhưng “mù lòng”, chỉ thích những âm mưu tăm tối, thì thể hiện thế nào? Đạo diễn thiên về tả thực, phải chăng vì chưa chú ý đào sâu “bóng chữ” của lời kịch?

Cho nhân vật đi lò dò, hành động quờ quạng trên sân khấu như thế, xem rất mệt. Nhân vật sáng mắt mà còn khó tạo hình thể mỹ học trên sân khấu nữa là người mù?

Với kịch bản như thế, phải tìm bằng được đến lõi chữ . Kịch bản đã trao cho anh quyền thử nghiệm tế nhị từ con chữ như thế, sao lại bỏ qua? Còn nhớ Thanh Ngoan diễn thầy bói mù trong liên hoan sân khấu chèo ở Ninh Bình 1996, thế mới là sáng sân khấu.

Mù mà tâm hồn, trí tuệ sáng, không phải mù sinh học. Nguồn sáng trong đời, kịch Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đình Nghi dựng rất đạt 1986. Nhân vật mù trong vở kịch thoát hẳn khỏi cái mù sinh học, đạt tới cái diễn đa nghĩa, thỏa mãn cả cái xem lẫn cái nghĩ.

Xem một số vở như Vàng đen (đoàn Nam Định) cảm thấy  từ “sơ khai” (tìm tòi sơ lược kéo lùi loại hình nghệ thuật về lúc sơ khai) mà thành viên giám khảo Doãn Hoàng Giang dùng là vận vào trường hợp này? Sơ lược, sơ khai còn đúng với đa số tiết mục góp mặt tại liên hoan. Sân khấu hiện giờ đúng là quá tụt hậu?

Nghĩ thế hơi ảm đạm. Sự góp mặt của 14 vở tiêu chí ”thử nghiệm” không vẽ lên bức tranh toàn cảnh. Và những “dấu hiệu mới” như: đông người xem, có cái mới về thử nghiệm, chỉ là dấu hiệu bề nổi.

Sân khấu rồi sẽ trở lại đìu hiu quạnh vắng ngay ở cái chỗ liên hoan ồn ào này về thử nghiệm. Đã liên hoan, thường đông đúc, vì các đoàn phải tham gia, xem nhau thử nghiệm và người xem vào cửa không mất tiền.

Các đoàn đến đều được nhà nước hỗ trợ hoặc bỏ thêm tiền “dốc ống” tiết kiệm. Liệu sau liên hoan, có diễn ra cảnh người xem dài dài như thế không, với giá 100.000 đồng in trên vé của vở diễn “hot” nhất trong liên hoan? Tôi đồ rằng không.

Tóm lại ích lợi của cuộc LHSKTN lần thứ nhất này theo chị là gì?

Ích lợi của nó là thấy rõ thử nghiệm là một bài toán khó cần tìm lời giải dài dài trong chính cuộc tiếp xúc hằng xuyên đỏ đèn của sân khấu với khán giả, chứ không phải thỉnh thoảng mỗi năm làm một lần liên hoan với nhau, theo cách cũ, cách chấm điểm, trao giải cũ, chỉ một lần rồi cất vở diễn vào kho.

Cũng là dịp nhìn lại: nếu xác định thử nghiệm, thì cái gì cần  phải được thử nghiệm nhất. Đó chính là kịch bản và quan trọng nhất là ngôn ngữ thử nghiệm của đạo diễn.

Các đạo diễn thế hệ trước, tuy vắng mặt hoặc có mặt chỉ một hai vở, nhưng rõ ràng cái bóng của họ còn trùm phủ khá rõ lên Anh Tú, Lan Hương, Lý Khắc Linh… Còn Lê Hùng và Trần Ngọc Giàu chưa phải đã mới hơn so với chính những vở diễn đã có từ hai liên hoan trước của họ.

Và cái cần “nghiệm” nhất vẫn cứ là nghiệm sinh với công chúng. Tôi không tin một vở diễn thử nghiệm cái mới lại không nhằm đích đến là diễn thường xuyên và thường xuyên được công chúng chọn lựa thưởng thức, để được trắc nghiệm cách thưởng thức mới.

Một tác phẩm mới, xuất hiện lần đầu như Tướng về hưu năm 1987 lập tức kêu gọi cách đọc mới, khiến không thể đọc theo cách cũ được nữa. Sân khấu cũng vậy.

Người ta đã có, sẽ có ngay cách xem mới đối với những vở diễn thử nghiệm mới, như từng hào hứng thưởng ngoạn các vở diễn hay trong hai cuộc liên hoan 2002, 2006 đấy thôi… Cho nên lời giải bài toán khó này vẫn là điều mong đợi và tìm kiếm của sân khấu chung hôm nay.

MỚI - NÓNG