Sáng lên rẫy, tối dịch sử thi

Cuộc sống cơ hàn của Điểu Klung.
Cuộc sống cơ hàn của Điểu Klung.
TP - Nghệ nhân Điểu Klung ở buôn Tul A, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk đã bỏ ra 11 năm ròng cùng anh trai hát kể, dịch 120 tác phẩm sử thi M’Nông cho Hội văn nghệ dân gian Việt Nam. Khi dự án xuất bản sử thi kết thúc, ông vẫn tiếp tục tự dịch thuật, ghi chép dù bệnh tật, đói kém bủa vây.

Trải qua 75 mùa rẫy, ông Điểu Klung nay đã gầy yếu, mái tóc bạc phơ, bước chân chậm chạp. Sáng sớm, ông cùng vợ dắt theo 2 đứa con nhỏ vừa học xong tiểu học vào rẫy làm cỏ đậu xanh đến tối mịt mới về. Thức ăn mang theo chỉ có 1 nồi cơm trắng với ít rau luộc. Hỏi chuyện, ông thở dài: Mùa giáp hạt, cây đậu mới tỉa, lúa đang trổ đòng nên đói lắm, còn gạo là may mắn lắm rồi. Mấy hôm nay bệnh viêm xoang tái phát nhưng tôi không có tiền đi viện!

Tuy đang túng quẫn âu lo, nhưng nghe nhắc đến sử thi, mắt ông sáng rực! Điểu Klung sinh ra và lớn lên tại Bon Brăng, xã Quảng Trực, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông- nơi phát lộ kho tàng sử thi M’nông ở Tây Nguyên. Giai điệu Ot ndrong (sử thi) vang vọng khắp bon làng, lọt vào tai Điểu Klung từ nhỏ.

 Nhờ trí nhớ thiên bẩm, “chỉ cần nghe một lần là ot ndrong dính vào tai”, Điểu Klung đã thuộc rất nhiều sử thi. Những lúc lên nương làm rẫy hay trong các lễ hội, ông thường cất giọng ngân nga. Âm thanh lúc trầm- bổng, lúc ngân dài theo tiếng chiêng cùng với đôi mắt thể hiện sinh động tình cảm nhân vật sử thi của ông hút hồn bao người nghe.

Sáng lên rẫy, tối dịch sử thi ảnh 1 Nghệ nhân Điểu Klung miệt mài với sử thi.
Ba mươi tuổi, ông theo vợ về Đắk Lắk ở rể theo phong tục người Ê đê. Năm 1994 ông tham gia dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” do Hội văn nghệ dân gian Việt Nam thực hiện tại tỉnh Đắk Lắk. 

Suốt 11 năm ông cùng với anh trai là Điểu Câu hát kể, ghi âm, dịch trên 120 bộ sử thi M’nông như: Tiăng bán tượng gỗ, Đánh cá hồ lau lách, Leeng lấy trống đồng Bông Yang Kon The, Tiăng đi lấy sừng trâu, Thần cưa răng Kon Rung, Cướp máy kéo chỉ của Ndu Kon Băch, Lên Kon Rưng bị bắt cóc bán 

Sử thi M’ Nông thường dài hơn sử thi Ê đê. Bài dài nhất kể đến 6 ngày, bài ngắn 2-3 ngày. Trung bình mỗi bài ghi âm dài từ 7 đến 10 băng, dịch ra song ngữ M’nông -Việt dung lượng lên tới cả nghìn trang. Năm 2005, đề án kết thúc, nhiều tác phẩm vẫn chưa ghi âm, biên dịch xong. Điểu Klung lặng lẽ một mình làm tiếp. 

Hằng ngày bận rộn với công việc nương rẫy, tranh thủ buổi tối, ông cần mẫn “giữ hồn sử thi M’Nông”. Ông tâm sự: Cả 5 đứa con của mình đều không thích sử thi, may còn có cháu Điểu Thị Mai con của anh ruột Điểu Kâu yêu thích nối nghiệp . Tuy vậy, ông vẫn cố gắng làm để con cháu đời sau nếu thích thú với sử thi cũng có cái để đọc và biết.

Với nhiều cống hiến trong lĩnh vực sử thi M’Nông, 13 năm trước ông Điểu Klung từng được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tặng bằng công nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian. Cầm tấm bằng cũ kỹ, ông cười bảo khi mệt, nhìn nó vẫn thấy như được động viên ...

MỚI - NÓNG