Trong khi rất nhiều cảnh báo về việc vừa lái xe vừa nhắn tin đã được đưa ra, thì sự nguy hiểm của việc phân tâm khi lái xe vẫn chưa được nhắc đến thường xuyên. Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Houston và Viện Giao thông vận tải Texas đã thực hiện một nghiên cứu tập trung phân tích tất cả các yếu tố tinh thần ảnh hưởng không tốt đến việc xử lý tình huống khi lái xe của tài xế. Đó là: sự trống rỗng đầu óc, sự ảnh hưởng bởi cảm xúc và việc vừa lái xe vừa nhắn tin.
Các nhà nghiên cứu đã huy động 59 tình nguyện viên tham gia vào thử nghiệm lái xe trong 4 trường hợp: lái xe trong điều kiện tâm lý bình thường, khi bị phân tâm bởi những câu hỏi, khi bị phân tâm bởi cảm xúc và khi mải mê nhắn tin.
Trong cả 3 trường hợp – lái xe khi bị phân tâm bởi suy nghĩ, bởi cảm xúc và các tin nhắn, nhóm những nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy các tài xế đều trở nên bồn chồn. Sự bồn chồn này dẫn đến việc lái xe sai làn và giảm khả năng xử lý các tình huống bất ngờ.
Được biết, cơ quan điều khiển chức năng tập trung khi lái xe (ACC) nằm ở phần vỏ não trước. Cơ quan này được cho là có khả năng tự can thiệp, tự điều chỉnh khi phát hiện có “xung đột”. Trong trường hợp này, “xung đột” xuất phát từ nhận thức, cảm xúc hay việc nhắn tin. Ví dụ, khi đánh tay lái chệch sang trái, cơ quan ACC sẽ cảnh báo tài xế và người này sẽ tự động đánh tay lái sang phải để cân bằng.
Để ACC có thể thực hiện chức năng điều chỉnh này, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cả tay và mắt của người lái xe. Nếu vòng liên kết này bị phá vỡ, ACC sẽ thất bại trong việc điều chỉnh sự tập trung khi lái xe của tài xế, dẫn đến tai nạn.
Do vậy, nhóm các nhà khoa học đã ngiên cứu và hiện đang phát triển một hệ thống theo dõi hành vi tài xế. Hệ thống này gọi là “stressalyzer”, có khả năng xác định mỗi khi tài xế chệch tay lái, cũng như những bất ổn tâm lý mà tài xế đang phải trải qua để lập tức cảnh báo nhằm giảm thiểu tai nạn.