Thực tế tại các cơ sở dạy lái trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, lưu lượng học viên học lái xe hạng C rất đông. Từ đầu năm 2016 đến nay, sau các đợt thanh tra của Tổng cục Đường bộ và Sở GTVT, một số cơ sở dạy lái do không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về sân bãi và trang thiết bị phục vụ dạy lái đã phải ngừng tuyển sinh, dẫn đến các cơ sở đào tạo còn lại bị quá tải.
Khoản 3 Điều 21 Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng BGTVT quy định thời gian đào tạo lái xe hạng C (bao gồm: ngày thực học, ôn, kiểm tra kết thúc khóa học và số ngày nghỉ lễ, khai bế giảng) là 140 ngày, tương đương 4,5 tháng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra giáo án dạy lái xe hạng C, thời gian đào tạo các lớp đều mất tới 172 - 173 ngày. Những học viên nộp hồ sơ phải chờ đợi cho đến ngày nhập học đã mất một khoảng thời gian dài, nên đến ngày sát hạch quốc gia đa số giấy khám sức khỏe đều không còn giá trị. Chưa kể số học viên bảo lưu kết quả học tập vì lý do ốm đau, học tập, công tác… phải học lại các khóa sau. Những học viên vắng, rớt sát hạch phải chờ gần một tháng mới được thi lại, đều phải khám sức khỏe lần thứ 2 trong một khóa học.
Được biết, từ đầu năm 2016, phí khám sức khỏe học lái xe tại các bệnh viện đủ tiêu chuẩn theo quy định đã tăng từ 314.000 lên 601.000 đồng.
Việc quy định thời gian GKSK lái xe là 6 tháng chỉ nên áp dụng với lái xe đường dài, để kịp thời phát hiện lái xe có sử dụng hay không các chất kích thích hay ma túy. Riêng với học viên học lái xe, trong suốt thời gian học luôn có sự giám sát trực tiếp từ các giáo viên dạy lái. Thiết nghĩ liên Bộ nên xem xét gia hạn GKSK cho học viên lái xe hạng C lên một năm như trước đây, tránh bớt những tốn kém không đáng có.