Chậm nhất tháng 11 bắt đầu đào tạo
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ cho hay, dự thảo thông tư quy định về đào tạo lái xe số tự động đã hoàn thiện và trình lên lãnh đạo Bộ GTVT.
“Bộ dự kiến ban hành tháng 9 và thông tư sẽ có hiệu lực sau 45 ngày. Như vậy, trong tháng 10 hoặc chậm nhất trong tháng 11, việc đào tạo, cấp bằng riêng cho người lái xe số tự động sẽ có hiệu lực”, ông Quyền cho biết.
Ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Quản lý phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam ) cho biết: Theo dự thảo, bằng lái xe ô tô số tự động sẽ được cấp riêng cho người có nhu cầu cấp bằng hạng B1, nhưng chỉ điều khiển các loại ô tô số tự động. Người học được lái xe chở người đến 9 chỗ ngồi và ô tô tải dưới 3,5 tấn, không kinh doanh vận tải.
Chương trình đào tạo lái xe số tự động rút ngắn hơn so với nội dung đào tạo lái xe số sàn. Cụ thể, toàn bộ thời gian học số tự động còn 476 giờ (136 giờ học lý thuyết và 340 giờ học thực hành). So với thời gian học số sàn (556 giờ; trong đó 136 giờ học lý thuyết, 420 giờ học thực hành), thời gian đào tạo lái xe số tự động rút ngắn 80 giờ; tương đương 12 ngày học.
Theo ông Quân, số giờ học giảm được do các nội dung về cấu tạo, sửa chữa, nghiệp vụ vận tải; các bài học về “đề pa lên dốc”... được lược bỏ. Lần này, chương trình học và đào tạo lái xe tự động dự kiến bổ sung một bài “ghép ngang” (tức cho xe đỗ song song với vỉa hè, có xe chặn trước và sau) - một tình huống gặp nhiều trong thực tế nhưng chưa được đào tạo.
Về bằng lái cấp cho người học lái xe số tự động, ông Quyền cho biết: Tổng cục đang chỉnh sửa phần mềm để in và việc này không khó. Về lo ngại người có bằng lái xe tự động tự ý lái xe số sàn trên thực tế, ông Quyền nói: “CSGT sẽ dừng xe khi có biểu hiện vi phạm quy tắc giao thông. Khi dừng xe, kiểm tra bằng lái, CSGT sẽ phát hiện nếu người lái vi phạm về bằng lái”.
Khó giảm học phí
Nhiều trung tâm đào tạo lái xe đang đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị. Thậm chí, tại TPHCM, một số cơ sở đã đăng thông báo nhận đào tạo riêng về xe số tự động (dù thông tư chưa ban hành).
Tại Hà Nội, ông Lê Văn Đại, GĐ Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe thuộc Cty Ôtô số 2, cho biết, đang lên phương án đầu tư phương tiện tập lái và sát hạch.
Theo ông Đại, với quy mô sân sát hạch lớn (tần suất 100 học viên thi/buổi), gần trung tâm Hà Nội, trung tâm phải đầu tư ít nhất 5 xe số tự động (mỗi xe khoảng 650 triệu đồng). Cộng với chi phí nâng cấp phần mềm thi, sửa lại sân bãi (để thực hành bài ghép ngang)... tổng chi phí đầu tư khoảng 6-8 tỷ đồng.
“Để cạnh tranh, hiện chúng tôi đã giảm phí đào tạo xe số sàn xuống 4,8 triệu đồng/người (chưa kể lệ phí thi; thuê xe chip để thi thử). Với xe số tự động, chúng tôi sẽ cố gắng tính toán; nhưng chi phí đầu tư ban đầu lớn, thời gian đầu đào tạo sẽ khó giảm được nhiều”, ông Đại nói.
Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Trung tâm Dạy nghề đào tạo và sát hạch lái xe Đông Đô ở Bắc Ninh (người chủ động đề nghị Bộ GTVT cho phép đào tạo riêng lái xe số tự động) cho rằng, cần cho phép các trung tâm đào tạo tăng tỷ lệ thuê xe số tự động bên ngoài để phục vụ đào tạo, giảm phí đầu tư ban đầu.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền cho hay, trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo lái xe số tự động, Tổng cục đã giảm tối đa chi phí phát sinh cho cơ sở đào tạo như cho phép xe số tự động và số sàn dùng chung một sân tập; giữ nguyên bộ máy giáo viên...
Tháng 10 cấp bằng lái xe quốc tế
Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, từ tháng 10 tới, Tổng cục Đường bộ và các sở GTVT chính thức cấp và sử dụng giấy phép lái xe quốc tế (trong cộng đồng các nước tham gia công ước Vienne, trên 70 nước). Giấy phép lái xe này có 9 trang, tương tự cuốn hộ chiếu (trong đó có 5 trang ghi bằng tiếng Anh, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp).