Sản xuất giống lúa phù hợp với tình hình xâm nhập mặn

Sản xuất giống lúa phù hợp với tình hình xâm nhập mặn
TP - Ngày 19/2, tại Hậu Giang, diễn ra diễn đàn “Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), năm 2016 sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, mở rộng thị trường xuất khẩu gạo sang các quốc gia có yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cao, cạnh tranh về giá…

Thạc sỹ Hoàng Văn Hồng (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho rằng, nguyên nhân một phần là do sản xuất nông nghiệp gây phát thải khí nhà kính. Vì thế, một trong những tác động nhằm giảm khí phát thải nhà kính là ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước tưới và chi phí đầu vào như: SRI, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới nước tiết kiệm.  Ông Hồng cho rằng, để có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới là cần có những giải pháp đồng bộ, kể cả giải pháp về chính sách và tổ chức sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho rằng, để ứng phó với hạn mặn, giải pháp căn cơ trước mắt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được các nhà khoa học khuyến cáo.

Theo Cục Trồng trọt, với dự báo về biến đổi khí hậu và mực nước dâng cao thì xâm nhập mặn có nguy cơ tăng về cường độ, nồng độ lẫn chiều sâu. Vì thế, nhà nước cần xây dựng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ động ứng phó với tình trạng trước mắt và tương lai. Trước tình trạng xâm nhập mặn như hiện nay, Cục Trồng trọt khuyến cáo, ngoài việc ưu tiên cho sản xuất giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường thì cần chú ý tới phù hợp với diễn biến tình hình xâm nhập mặn. Đặc biệt là ở 8 tỉnh ven biển ĐBSCL; bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, bên cạnh những lợi thế và đóng góp quan trọng của nông nghiệp ĐBSCL vào an ninh lương thực cả nước thì hiện nay vùng phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Điều mà Thứ trưởng Doanh băn khoăn nhất là người dân vẫn còn lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu nhiều; liên kết còn hạn chế, sử dụng giống tràn lan, khó kiểm soát.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.