Sân khấu Việt: Trẻ hóa từ lãnh đạo đến mảng miếng

Lần đầu thử thách với vai trò đạo diễn sân khấu, NSƯT Trần Lực đã ẵm giải Bạc tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2016 với vở "Quẫn".
Lần đầu thử thách với vai trò đạo diễn sân khấu, NSƯT Trần Lực đã ẵm giải Bạc tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2016 với vở "Quẫn".
TP - Sự xuất hiện của lớp lãnh đạo nhà hát trẻ, nhiều đạo diễn trẻ, những tác phẩm với cách thể hiện mới mẻ, hấp dẫn... đang mang lại làn gió mới cho sân khấu Việt.

Tre già, măng mọc

“Đến thời thì tre già măng mọc, thậm chí măng không cần mời vẫn cứ tự thế mà vươn lên, tự chứng minh bản thân và bản lĩnh nghệ thuật. Việc xuất hiện nhiều đạo diễn trẻ, hay nói đúng hơn, các đạo diễn trẻ được ghi nhận một cách công bằng đã góp phần mang đến cho sân khấu những tư duy mới mẻ mà từ trước đến nay không hề có”- NSND Lê Chức- Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận định.

Bước sang năm 2017, mọi đơn vị nghệ thuật phải đối diện với mức cắt giảm 60%. Về cơ bản, đến năm 2018, sân khấu kịch sẽ xã hội hóa hoàn toàn. Trong đó, 5 đơn vị sân khấu của Hà Nội gồm: Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Hà Nội sẽ chính thức xã hội hóa vào năm 2020.

“Cơn bão” xã hội hóa đòi hỏi các nhà hát phải tự bơi bằng năng lực của mình. Ở đó, sẽ không còn chỗ cho những tư duy, mảng miếng quá cũ kỹ, nhàm chán. Ở đó, cũng không có chỗ cho việc lớp trẻ phải ngồi xếp hàng chờ lớp già nghỉ hưu mới được lên sân khấu. Sân khấu, phải là mâm cỗ nghệ thuật đặc sắc để người xem có thể sẵn sàng bỏ tiền mua vé và các doanh nghiệp thì không ngại ngần đầu tư.

Thời gian qua, việc một số nghệ sĩ Xuân Bắc (40 tuổi), Trung Hiếu (43 tuổi) trở thành lãnh đạo nhà hát kịch Hà Nội hay nghệ sĩ Trần Quang Hào (36 tuổi) trở thành GĐ Nhà hát Trưng Vương- Đà Nẵng... được các chuyên gia về sân khấu nhận định là tín hiệu đáng mừng. Họ được kỳ vọng sẽ thổi làn gió mới trẻ trung, năng động cho các nhà hát trong công cuộc xã hội hóa, với lộ trình tự chủ hoàn toàn trong năm 2020.

Ở tuổi đời U50, lên làm lãnh đạo nhà hát, có thể gọi họ là lớp “lãnh đạo trẻ”, tuy nhiên, nói về nghề, họ đều là những người đủ năng lực, gắn bó lâu năm với nhà hát, già dặn trong nghệ thuật và gặt hái nhiều thành công. Đó vừa là vinh dự nhưng cũng là thách thức, áp lực của người lái đò, trước “cơn bão” xã hội hóa đang sầm sập trước mắt.

Làn gió mới

Từ trước đến nay, nhắc đến đạo diễn sân khấu trong Nam ngoài Bắc cũng chỉ có vài ba cái tên quen thuộc như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, NSND Xuân Huyền... Trong các kỳ liên hoan sân khấu, cũng vẫn những tên tuổi quen thuộc ấy. Họ được xem là sự lựa chọn an toàn cho các nhà hát trong quyết tâm kiếm tìm giải thưởng, chạy theo thành tích. Dẫn đến thực tế, có một đạo diễn tham gia một lúc nhiều tác phẩm nhưng cái nào cũng nhang nhác nhau. Vẫn là những xử lý sân khấu quen thuộc, những mảng miếng lặp lại.

Tuy nhiên, trong năm 2016, sân khấu đã có bước chuyển mình đầy mới mẻ. Đó là sự xuất hiện, hay nói đúng hơn, sự ghi nhận thêm nhiều gương mặt đạo diễn trẻ. Họ được trao cơ hội thể hiện và được chơi những cuộc chơi công bằng.

Vừa tốt nghiệp khoa Đạo diễn, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM , Thái Kim Tùng (1988) hùng dũng mang vở kịch “Giấc mơ” tới tham dự Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ ba 2016 và đoạt giải Bạc. Trong vai trò đạo diễn của vở kịch thử nghiệm “Giấc mơ”, Thái Kim Tùng đã kết hợp nhiều luồng văn hóa khác nhau, hình thức thể hiện mang đậm chất Tây Âu nhưng vẫn lấy các giá trị văn hóa cổ truyền Việt Nam làm gốc.

Khai thác đề tài về người lính, tình yêu quê hương đất nước là thử thách với đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng. Nếu làm không khéo, kịch sẽ bị khô khan, lên gân hoặc ca ngợi một chiều. Tuy nhiên, mọi lo lắng, nghi ngại được tháo gỡ qua từng lớp diễn. Thái Kim Tùng đưa người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và “Giấc mơ” không chỉ là điểm sáng tự hào của làng kịch Sài Gòn mà còn là sự khởi đầu giấc mơ nghệ thuật của chàng đạo diễn trẻ.

Ở Liên hoan sân khấu thủ đô 2016 diễn ra vào tháng 12 sau đó, hai vở kịch “Quẫn” (đạo diễn Trần Lực) của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và “Khát vọng” (đạo diễn Lâm Tùng) của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng giành huy chương bạc đầy thuyết phục.

Không  hề non trẻ với một người có ngót nghét 20 năm theo nghiệp diễn xuất, với vài chục vai diễn trên sân khấu và phim truyền hình, tuy nhiên với vai trò đạo diễn, NSƯT Hoàng Lâm Tùng hãy còn rất “trẻ”. Tác phẩm “Khát vọng” là bài tốt nghiệp, là công trình đầu tay của anh khi đặt chân vào con đường đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp. Tư duy trẻ của Lâm Tùng đã trở thành chìa khoá nghệ thuật để đi vào kịch bản, đó là khai thác chất thơ, giá trị nhân văn và tầng sâu tư tưởng của tác phẩm, để kể một câu chuyện xưa gần 30 năm nhưng không hề cũ.

Còn ở vở “Quẫn”, Trần Lực đã chạm vào tâm thức của khán giả với tất cả sự đồng tình, cảm thông và chia sẻ. Dàn diễn viên rất trẻ đang là sinh viên và khá đồng đều trong diễn xuất với những tìm tòi độc đáo của đạo diễn đã tạo ra thành công của vở diễn. Trần Lực còn nhận được giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan. Xếp Trần Lực vào hàng ngũ đạo diễn trẻ có vẻ hơi... oan cho anh, nhưng lần đầu “chạm ngõ” sân khấu, phần thưởng mà anh nhận được là niềm mơ ước của nhiều đạo diễn trong nghề.

MỚI - NÓNG